Năm 2009: Kinh tế phục hồi nhưng chưa vững chắc

Châu Âu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sau Mỹ, cũng tuyên bố thoát khỏi suy thoái. Giá dầu thế giới tăng trở lại, thị trường chứng khoán toàn cầu hoạt động sôi nổi hơn...

Tất cả những dấu hiệu trên báo hiệu nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau cơn bão lớn. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn được coi là chưa bền vững khi những khó khăn còn chồng chất và nguy cơ kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng kép là chưa thể loại bỏ.
Những ngày bĩ cực nhất của nền kinh tế thế giới đã đi qua. Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, cũng là nơi khởi nguồn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vừa công bố các số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng trưởng mạnh trong quí III/2009.

Châu Âu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sau Mỹ, cũng tuyên bố thoát khỏi suy thoái. Giá dầu thế giới tăng trở lại, thị trường chứng khoán toàn cầu hoạt động sôi nổi hơn...

Tất cả những dấu hiệu trên báo hiệu nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau cơn bão lớn. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn được coi là chưa bền vững khi những khó khăn còn chồng chất và nguy cơ kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng kép là chưa thể loại bỏ.

Những thách thức sau suy thoái

Không phải là sự tĩnh lặng thông thường, mà là sự im ắng tới nặng nề và có phần mệt mỏi, bởi cơn bão tài chính vừa tràn qua đã để lại sau nó đống đổ nát lớn. Những tàn dư này lại trở thành một thách thức mới cho thế giới trong giai đoạn khắc phục.

Mặc dù bối cảnh kinh tế hiện nay đã khá hơn, song các chuyên gia cho rằng chưa thể loại trừ những mối nguy hiểm do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua gây ra, thậm chí các biện pháp kích thích kinh tế của các nước có thể còn tạo ra những rủi ro khác.

Theo các nhà kinh tế, thế giới hiện đang phải đối mặt với 3 nguy cơ tiềm ẩn là hình thành những loại bong bóng mới, thiếu khả năng thanh toán nợ đúng hạn và nợ ngân sách tăng quá cao.

Về nguy cơ xuất hiện các bong bóng, biểu hiện đầu tiên là giá tài sản hay nguyên liệu, tất cả đều có xu hướng tăng lên trên thị trường thế giới.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng nguyên nhân dẫn đến xu thế này là do tình trạng bơm tiền mặt vào thị trường để tránh một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, lượng tiền mặt này chỉ hỗ trợ phần nào cho các hoạt động vay tín dụng, phần dư thừa còn lại đã được đầu tư vào các thị trường tài sản, khiến giá cổ phiếu tăng.

Với đồng USD, người ta nhận thấy xu hướng quay trở lại của việc ứng dụng mô hình các nhà đầu tư vay vốn bằng tiền USD với một tỷ lệ gần bằng 0% và mang đi cho vay ở một số thị trường lớn khác, nơi tiền được vay với tỉ lệ cao hơn, để ăn chênh lệch lãi suất.

Xu hướng này nếu tiếp tục duy trì sẽ khiến cho đồng tiền Mỹ ngày càng bị mất giá, còn giá trị các loại tiền địa phương lại càng tăng, gây nguy hiểm tới khả năng phục hồi kinh tế thế giới. Tình trạng giá vàng lên cao đến mức bất thường như hiện nay, các nhà phân tích cho rằng một phần cũng là do hệ quả của việc đồng USD suy yếu.

Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, đồng USD vốn được coi là nơi bảo toàn vốn tốt nhất. Nhưng trong bối cảnh đồng tiền này ngày càng mất giá như hiện nay, các nhà đầu tư nhận thấy không còn sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài vàng, và sau đó là các loại tài sản, đặc biệt là nguyên liệu.

Liên quan đến nguy cơ không thể thanh toán nợ đúng hạn, các ngân hàng có thể sẽ phải chịu những thiệt hại trong kinh doanh do sự "thất hẹn" này của khách hàng chuyên nghiệp hay cá nhân. Việc đồng USD mất giá, tín dụng bị xiết lại cùng với xu hướng giảm sút các đơn đặt hàng sẽ có thể dẫn các doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản.

Về nợ ngân sách, những kế hoạch phục hồi kinh tế của các chính phủ khiến cho nợ ngân sách ngày càng lớn, đẩy thâm hụt ngân sách tăng thêm vài phần trăm GDP trong vòng một năm. Để trả nợ, các ngân hàng trung ương phải "sản xuất" tiền dẫn đến tính thanh khoản tăng, điều này chính là nguyên nhân khiến nguy cơ lạm phát quay trở lại.

Một hiểm họa khác không kém phần nguy hiểm đe dọa nền kinh tế thế giới là nguy cơ giảm phát. Giới phân tích cho rằng một nền kinh tế nếu rơi vào giảm phát phải mất đến vài thập kỷ mới thoát khỏi nó.

Sự phục hồi mong manh

Giám đốc Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn nhận định kinh tế thế giới đang phục hồi sớm hơn so với dự kiến trước đây, song sự phục hồi này có lẽ còn yếu ớt và được xem là chưa bền vững nếu các chính phủ vội vàng kết thúc các chương trình kích thích kinh tế.

Đánh giá về "sức khỏe" nền kinh tế thế giới, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng chưa đến lúc kết thúc các gói kích thích do nền kinh tế toàn cầu vẫn cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt tới khi thực sự khỏe mạnh trở lại và tự mình phát triển được. Đặc biệt, việc tiếp tục phối hợp hành động chặt chẽ giữa các nước công nghiệp hàng đầu thế giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Các chuyên gia lập luận rằng qui mô to lớn của sự sụt giảm trong nền kinh tế thế giới thời gian qua đồng nghĩa với sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên sự phục hồi sẽ đi theo hướng nào vẫn là bài toán tranh cãi giữa các nhà hoạch định kinh tế.

Từ trước đến nay, các nhà kinh tế thảo luận quanh hai kịch bản chính là phục hồi hình chữ V - với đà đi lên nhanh và hình chữ U - với đà đi lên chậm chạp hơn. Tuy nhiên, với kịch bản hình chữ V, các nhà phân tích cho rằng đây là sự phục hồi trong ngắn hạn.

Kinh tế có thể phục hồi theo hình chữ V nhờ được trợ lực bởi các gói kích cầu và các doanh nghiệp bắt đầu tăng sản xuất trở lại sau một thời kỳ cắt giảm hoạt động để giảm hàng tồn kho. Song sự phục hồi dựa trên sự điều chỉnh hàng tồn kho này sẽ chỉ mang tính tạm thời, và sự phục hồi nhờ hoạt động kích cầu của Chính phủ sẽ không kéo dài.

Một số nhà kinh tế khác cho rằng với sự tăng trưởng yếu ớt hiện nay, mô hình phục hồi hình chữ U- với cái đáy dài và phẳng có thể sẽ là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất đối với kinh tế toàn cầu trong vài năm tới.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là kịch bản cuối cùng, một số không ít các chuyên gia kinh tế lại đưa ra giả thiết mới với đà phục hồi hình chữ W. Sau khi vượt qua đáy khủng hoảng, kinh tế thế giới sẽ lao dốc một lần nữa, trước khi thật sự tăng trưởng vững chắc.

Các nhà kinh tế có quan điểm thận trọng cho rằng nguồn gốc dẫn tới suy thoái chính là cơ sở cho sự phục hồi yếu ớt hoặc thậm chí là phục hồi để rồi lại rơi vào suy thoái tiếp.

Với sản lượng toàn cầu năm 2009 giảm hơn 1% tính theo sức mua thực tế, bức tranh chung của nhiều nước trên thế giới là hiện trạng thất nghiệp và sự phục hồi yếu ớt. Để tăng mảng sáng cho bức tranh chung này trong năm 2010, thế giới phải đảo ngược được nạn thất nghiệp và hồi phục những thương tổn trong hệ thống tài chính.

Trong số những họa sĩ có thể tạo ra bức tranh này, không phải Mỹ hay châu Âu, mà vai trò của các nước đang phát triển, đặc biệt là các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... (các nước chiếm đến 1/2 GDP thế giới) sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc kéo đoàn tàu kinh tế thế giới chạy suốt.

Một điểm nữa cần khẳng định là khi nền kinh tế chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách cần phải “giữ chân ga” thêm một thời gian nữa, thay vì chuyển sang chân phanh. Đây chính là cơ hội để các quốc gia đặt nền móng cho một hệ thống tài chính an toàn và ổn định hơn, cũng là tiền đề để xây dựng mức tăng trưởng kinh tế bền vững cho tương lai./.

Phương Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục