Năm 2020, EVN lỗ hơn 1,3 nghìn tỷ đồng trong sản xuất, kinh doanh điện

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, song thu nhập từ các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này đã giúp EVN lãi hơn 4.700 tỷ đồng trong năm 2020.
Năm 2020, EVN lỗ hơn 1,3 nghìn tỷ đồng trong sản xuất, kinh doanh điện ảnh 1Kiểm tra vận hành điện tại một trạm. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện giảm 1,22%

Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 là 396.199,38 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện và phụ trợ-quản lý ngành tương ứng với sản lượng điện năng giao nhận năm 2020 là 231,54 tỷ kWh và sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2020 là 216,95 tỷ kWh.

Trong đó, các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên.

[Bộ Công Thương khẳng định chưa đề xuất điều chỉnh tăng giá điện]

Về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 theo sản lượng điện thương phẩm là 1.826,22 đ/kWh, giảm 1,22% so với năm 2019.

Trong đó, giá thành sản xuất trong khâu phát điện (theo sản lượng điện giao nhận năm 2020) tăng 3,36% so với năm 2019; giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 77,69 đ/kWh; giá thành khâu phân phối-bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 308,54 đ/kWh.

Ngoài ra, giá thành khâu phụ trợ-quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,66 đ/kWh; Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại 8 xã, huyện đảo là 265,45 tỷ đồng. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2020 là 1.820,20 đ/kWh, giảm 1,68% so với năm 2019.

Việc giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2020 giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã thay đổi cơ cấu tỷ trọng phụ tải của các nhóm khách hàng sử dụng điện, đặc biệt nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có giá bán điện cao, năm 2020 tiêu thụ sản lượng điện với tỷ trọng thấp, các khách hàng thuộc thành phần Thương nghiệp-Dịch vụ có sản lượng giảm sâu.

Bên cạnh đó, trong năm 2020 EVN thực hiện 2 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để hỗ trợ các khách hàng với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng.   

Lãi từ các hoạt động khác

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN lỗ 1.307,29 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2020 là 6.049,53 tỷ đồng, bao gồm: thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng; thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực; thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của Công ty mẹ EVN và các Tổng công ty Điện lực.

"Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện nêu trên năm 2020 của EVN lãi 4.742,24 tỷ đồng," báo cáo cho hay.

Đáng chú ý, năm 2020, đã có hơn 5.030 tỷ đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện, bao gồm: Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện của năm 2018 với số tiền khoảng 3.630,3 tỷ đồng và một phần khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2019 với số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng.

Dù vậy, cẫn còn khoảng 7.582 tỷ đồng chưa hạch toán hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 (bao gồm, phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng; Khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện phát sinh năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng.)

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2262/QĐ-BCT ngày 6/10/2021 về việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN (Đoàn kiểm tra) gồm đại diện: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế tại Công ty mẹ - EVN và một số đơn vị thành viên của EVN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục