Năm ASEAN "khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng"

Với vai trò dẫn dắt đầy trách nhiệm của Việt Nam, có thể chứng kiến các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng cộng đồng, bảo vệ người dân trước dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của kinh tế suy thoái.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì buổi họp báo thông tin kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì buổi họp báo thông tin kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11 là hoạt động quan trọng nhất khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Với việc các nhà lãnh đạo nhất trí nhiều nội dung quan trọng, trong đó có thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, cũng như đưa vào triển khai nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế hậu đại dịch, có thể khẳng định rằng Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với những nỗ lực và những bước đi đúng hướng, đầy linh hoạt và sáng tạo trong bối cảnh khó khăn chồng chất.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam được đánh giá là một năm đầy thách thức đối với ASEAN nói riêng và toàn thế giới nói chung, khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm và tới nay vẫn chưa được khống chế làm đình trệ mọi hoạt động, gây tổn thất nghiêm trọng về người và vật chất, để lại những hệ lụy nặng nề đối với các nền kinh tế.

Song, trong khó khăn, tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” mà Việt Nam lựa chọn là chủ đề cho Năm Chủ tịch ASEAN đã được phát huy cao độ.

Với vai trò dẫn dắt đầy trách nhiệm của Việt Nam, có thể chứng kiến các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng cộng đồng, bảo vệ người dân trước dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của kinh tế suy thoái; phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong hoạt động khôi phục kinh tế và ứng phó trước các thách thức xuyên quốc gia đang đe dọa ổn định và phát triển toàn cầu; duy trì hợp tác với các đối tác và đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế…

Đến nay, ASEAN cơ bản hoàn tất các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020 theo đúng lộ trình đề ra, trong đó có đánh giá giữa kỳ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN, ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, gắn kết phát triển tiểu vùng với lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu phát triển bền vững và các sáng kiến về tăng cường hình ảnh và nhận diện của Cộng đồng ASEAN…

Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát, ASEAN đã chủ động hợp tác ứng phó, nhanh chóng công bố và đưa vào triển khai Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN và Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc gia.

Đặc biệt, năm nay, 15 nước châu Á-Thái Bình Dương, gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS-15), các nhà lãnh đạo cũng thông qua các tuyên bố quan trọng, trong đó có Tuyên bố về 15 năm EAS và Tuyên bố EAS về hợp tác biển bền vững.

Những kết quả đạt được trong một năm đầy khó khăn và thách thức thể hiện tinh thần hợp tác và đoàn kết, năng lực tự cường của ASEAN trong ứng phó và vượt qua các thách thức, thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân luôn ở vị trí trung tâm.

Không những thế, ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, không ngừng tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế.

Nhận định về hoạt động của ASEAN năm 2020, các quan chức, chuyên gia, học giả quốc tế đều đề cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ, Việt Nam được đánh giá đã tích cực thể hiện vai trò lãnh đạo năng động, tích cực cùng các nước ASEAN vượt qua các thách thức, đồng thời vận động các đối tác đối thoại tham gia xây dựng và thể hiện trách nhiệm trong các vấn đề chung của khu vực, ủng hộ và hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN.

Với hình thức hội nghị trực tuyến lần đầu tiên được ứng dụng kể từ khi thành lập ASEAN năm 1967, Việt Nam đã tổ chức đầy đủ các sự kiện trong năm Chủ tịch 2020 và thông qua hàng chục văn kiện quan trọng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai nhấn mạnh: "Khi xảy ra dịch COVID-19, nhờ sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã có thể nhanh chóng thành lập Nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về những tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng Ba để điều phối phản ứng tập thể và toàn diện của ASEAN đối với đại dịch COVID-19. Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về COVID-19 diễn ra dưới hình thức trực tuyến đã được triệu tập kịp thời vào giữa tháng Tư, sau đó là một số hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài. Những can dự cấp cao này không chỉ thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của ASEAN và các đối tác bên ngoài để làm việc cùng nhau, mà còn là minh chứng cho sức mạnh tập thể của ASEAN."

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin về kết quả Hội nghị ASEAN-37]

Các chuyên gia Malaysia như Tiến sỹ Ngeow Chow Bing - Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc trường Đại học Malaysia, và Tiến sỹ Hoo Chiew Ping - giảng viên cấp cao về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Malaysia, nhấn mạnh Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để khẳng định uy tín trên trường quốc tế trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, theo đó không chỉ trở thành quốc gia duy nhất trong khối đạt tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dương trong năm nay, mà còn đảm bảo hoạt động của khối không bị gián đoạn, khi "chủ động chuẩn bị các tình huống dự phòng khác nhau mà ASEAN phải đối mặt."

Chia sẻ quan điểm này, Tiến sỹ Balaz Szantos thuộc bộ môn khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định Việt Nam đã vững vàng đương đầu cuộc khủng hoảng hiện nay với ý chí dẫn dắt các nước ASEAN cùng nhau thoát khỏi đại dịch COVID-19 trên cơ sở lợi ích tương đồng và hợp tác.

Tiến sỹ Szantos khẳng định: “Khu vực này đã được gắn kết ở một mức độ cao hơn. Việc Việt Nam nỗ lực dẫn dắt khu vực vượt qua năm khó khăn, đồng thời duy trì được sự đoàn kết, thống nhất, vượt qua sức ép, không để bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các chủ thể bên ngoài là một bằng chứng tuyệt vời về nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN."

Chính trong những thời điểm khó khăn nhất, nước Chủ tịch ASEAN Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt, chủ động hành động để gắn kết Cộng đồng ASEAN, trước hết là gắn kết toàn khối tập trung mọi nguồn lực để chống lại kẻ thù chung - đại dịch COVID-19.

Năm ASEAN "khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng" ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam-nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Như đánh giá của tờ Korea IT Times," Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN đẩy mạnh hoạt động hợp tác theo đúng ý nghĩa của chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng và vai trò của ASEAN trong thế giới luôn thay đổi. Nói một cách cụ thể hơn, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy bản sắc ASEAN, xây dựng một ASEAN gắn kết nhằm đối phó mọi thách thức trên cấp độ toàn cầu và khu vực.

Không phải ngẫu nhiên mà Đại biện lâm thời Mỹ tại ASEAN - bà Melissa A. Brown, đã gọi nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là “cơ hội để tăng cường hợp tác và liên kết khu vực."

Trong lĩnh vực chính trị, ngay trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao lên thứ 37 và các hội nghị liên quan, Cuba, Colombia và Nam Phi đã ký tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) - văn kiện có ý nghĩa quan trọng của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, phản ánh cam kết của khối trong việc giải quyết mọi bất đồng và xung đột một cách hòa bình.

Ngoài ra, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác hiệu quả, thiết thực giữa hai tổ chức.

Về kinh tế, cam kết mạnh mẽ của ASEAN đối với tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế thể hiện qua việc hoàn tất đàm phán và ngày 15/11 ký kết RCEP - thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 nền kinh tế có tổng dân số hơn 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thế giới.

Vai trò Chủ tịch ASEAN linh hoạt và chủ động của Việt Nam còn được thể hiện qua việc điều phối các sự kiện của ASEAN trong năm đặc biệt này. Tiến sỹ Chheang Vannarith - thành viên Ban điều hành Viện Tầm nhìn châu Á (AVI), tổ chức chiến lược hàng đầu của Campuchia, đánh giá cao những nỗ lực điều phối của Việt Nam, không chỉ giúp duy trì phối hợp thông tin và hành động, mà còn đưa ra nhiều quyết sách quan trọng cả trong ASEAN nói riêng và ASEAN với thế giới nói chung.

Nói như Giáo sư Surupa Gupta thuộc Khoa Khoa học Chính trị và Vấn đề quốc tế thuộc Đại học Mary Washington (Mỹ), Việt Nam đã đóng một vai trò rõ ràng trong việc nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và hòa bình trong khu vực, đồng thời Việt Nam cũng chú trọng tạo ra một hình thức tích cực ủng hộ trong ASEAN để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như bảo vệ những lợi ích của ASEAN, khu vực và quốc tế.

Giới chuyên gia cho rằng bằng những biện pháp khéo léo và linh hoạt, Việt Nam đã giúp ASEAN duy trì được mối quan hệ cân bằng với các nước lớn, điều hòa và giảm thiểu áp lực từ sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn đối với ASEAN thông qua việc nhấn mạnh và đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, TAC, Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP)...; tranh thủ sự đoàn kết và đồng thuận của ASEAN để thống nhất cách tiếp cận chung trước các yêu cầu, đề xuất mà các đối tác đưa ra. Vai trò trung tâm của ASEAN luôn được phát huy trong dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực, tăng cường tính bổ trợ lẫn nhau và định hướng phát triển phù hợp cho các diễn đàn trong giai đoạn mới.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng, dịch bệnh COVID-19 đã không thể cản trở tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN."

Còn trong phát biểu tại lễ bế mạc chiều 15/11, khi chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng rằng Brunei, trong vai trò chủ tịch kế tiếp, sẽ tiếp tục đưa ASEAN tiến lên phía trước hướng tới một Cộng đồng ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phục hồi toàn diện và phát triển bền vững.

Trải qua năm 2020 đầy thách thức, với việc Việt Nam hoàn thành tốt trách nhiệm Chủ tịch ASEAN, Cộng đồng ASEAN ngày càng trở thành một cộng đồng đoàn kết và gắn kết, ngày càng vững mạnh và tự cường, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục