Nam Cực xuất hiện các đợt nóng bất thường, nhiệt độ tới 9,2 độ C

Các nhà nghiên cứu tham gia Chương trình Nam Cực của Australia đã ghi nhận nền nhiệt độ cao tới 9,2 độ C tại trạm quan trắc Casey, ở phía Đông châu lục này vào đầu năm nay.
Sông băng Collins tại Nam Cực, ngày 2/2/2018. Diện tích băng tan ở Nam Cực đang gây báo động. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sông băng Collins tại Nam Cực, ngày 2/2/2018. Diện tích băng tan ở Nam Cực đang gây báo động. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù là châu lục lạnh nhất thế giới, nhưng Nam Cực cũng không thể "miễn dịch" được với tình trạng ấm lên toàn cầu khi giới khoa học lần đầu tiên phát hiện mức nhiệt cao kỷ lục tại đây trong giai đoạn Hè 2019-2020.

Ngày 31/3, các nhà nghiên cứu tham gia Chương trình Nam Cực của Australia cho biết họ đã ghi nhận nền nhiệt độ cao tới 9,2 độ C tại trạm quan trắc Casey, ở phía Đông châu lục này, vào đầu năm nay.

Các đợt nóng này đã được quan sát trong 3 ngày liên tục từ 23-26/1 với nhiệt độ cao nhất là 9,2 độ C và mức nhiệt thấp nhất là trên 0 độ C.

Nhà sinh học tại Đại học Wollongong, Tiến sỹ Sharon Robinson, cho biết trong 31 năm quan trắc nhiệt độ tại Casey, mức nhiệt kỷ lục nói trên chênh tới 6,9 độ C so với nền nhiệt trung bình đo được ở trạm quan trắc này.

Bên cạnh đó, nhiệt độ tối thiểu cũng cao hơn 0,2 độ C so với mức nhiệt tối thiểu trung bình.

Các nhà khoa học đánh giá các đợt nóng bất thường tại Nam Cực có thể tạo tác động 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực, đối với hệ sinh thái nơi đây.

[Báo động tình trạng băng tại Nam Cực, Greenland tan nhanh gấp 6 lần]

Nhà sinh học châu Nam Cực ứng dụng thuộc Tổ chức nghiên cứu châu Nam Cực của Australia, Tiến sỹ Dana Bergstrom nêu rõ hầu hết sự sống tồn tại trên các ốc đảo nhỏ không bị đóng băng tại Nam Cực, và phần lớn phụ thuộc vào nguồn cung nước từ băng đá tan chảy.

Hiện tượng lũ lụt do băng tan có thể cung cấp thêm nước cho các hệ sinh thái hoang mạc này, từ đó làm gia tăng khả năng sinh sôi rêu, địa y, vi trùng và các loài sinh vật không xương sống.

Tuy nhiên, hiện tượng lũ lụt quá mức có thể cuốn trôi cây trồng và làm biến đổi kết cấu các cộng đồng của các loài sinh vật không xương sống cũng như các thảm vi sinh vật.

Nhiệt độ cao bất thường tại Nam Cực được cho là có liên quan tới các hình thái khí tượng học xuất hiện tại phía Nam Bán Cầu trong suốt mùa Xuân và mùa Hè năm 2019.

Theo nhà khoa học Andrew Klekociuk thuộc Tổ chức nghiên cứu châu Nam Cực của Australia, những hình thái khí tượng học nói trên một phần chịu tác động từ tình trạng thủng tầng ozone vào cuối năm ngoái, do nền nhiệt tại tầng bình lưu ấm lên nhanh chóng.

Tiến sỹ Klekociuk cho biết việc các quốc gia trên toàn cầu đang nỗ lực hợp tác nhằm sửa chữa lại và thậm chí "vá" lỗ thủng tầng ozone sẽ có thể giúp giảm bớt những biến đổi trong hệ thống kí hậu theo vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tro bụi phun lên từ núi lửa Semeru, nhìn từ Lumajang, Đông Java, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Indonesia: Núi lửa Semeru phun trào 4 lần trong ngày

Núi lửa Semeru, cao 3.676 mét, nằm ở ranh giới giữa các huyện Lumajang và Malang, hiện đang ở trình trạng báo động cấp 2 khi phun trào 4 lần trong ngày với cột tro bụi cao tới 800m từ đỉnh núi.

Đàn Cò Ốc xuất hiện trên cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)

Bảo vệ đàn Cò Ốc quý hiếm xuất hiện tại Gia Lai

Những ngày qua, người dân xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai phản ánh về sự xuất hiện của đàn Cò Ốc (loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam) tại khu vực cánh đồng thuộc địa bàn xã.

Đồi cỏ tranh ngút ngàn ở xã vùng cao Pu Nhi

Đồi cỏ tranh ngút ngàn ở xã vùng cao Pu Nhi

Giữa không gian núi đồi hùng vỹ ngút ngàn, cỏ tranh phủ một màu trắng muốt, đung đưa theo làn gió tạo nên khung cảnh thơ mộng tại xã vùng cao Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).

Tro bụi phun lên từ núi lửa Marapi ở Padang Panjang, Tây Sumatra, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Indonesia: Núi lửa Marapi phun tro bụi cao hơn 1.000 m

Từ đầu tháng 4 đến nay, Indonesia ghi nhận 9 vụ phun trào và 125 đợt phát thải từ núi lửa Marapi, theo đó cảnh báo người dân và khách du lịch không đi vào khu vực bán kính 3 km từ miệng núi lửa.