Các nhà khoa học cảnh báo Greenland và Nam Cực đang chứng kiến tốc độ băng tan cao gấp 6 lần so với những năm 90 của thế kỷ 20, kéo theo hệ quả mực nước biển dâng và đến năm 2100 có thể dẫn tới tình trạng lũ lụt hằng năm tại các khu dân cư hiện là nơi cư trú của khoảng 400 triệu người.
Theo hai nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature ngày 11/3, qua phân tích dữ liệu thu được từ vệ tinh, các phương pháp đo tại chỗ và ứng dụng phân tích trên máy tính trong nhiều thập kỷ, 89 nhà nghiên cứu nhận thấy các khối băng mất đi tại cả hai khu vực trên đã tăng gấp 6 lần từ 81 tỷ tấn lên mức 475 tỷ tấn mỗi năm trong chưa đầy ba thập kỷ qua.
Cũng theo hai nghiên cứu trên, trước hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, các khối băng dày hàng km trên Trái Đất đã sụt giảm tới 6.400 tỷ tấn trong giai đoạn 1992-2017. Tình trạng tan băng đã khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao gần 2cm.
Nắng nóng tại Nam Cực mùa Hè năm ngoái gần chạm mức cao đỉnh điểm hồi năm 2011 đã làm giảm tới 552 tỷ tấn băng ở vùng cực này, tương ứng với việc cứ mỗi giây lại có khoảng tám bể bơi chuẩn Olympic "tháo nước" vào các đại dương.
Dù khó có thể nhận thấy rõ dấu hiệu nước biển dâng bằng mắt thường so với việc sự gia tăng cường độ của các cơn bão, nhưng gần đây hiện tượng này đã cho thấy sức tàn phá nghiêm trọng nhất trong số các tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.
[Khuyến cáo về tình trạng 'không thể đảo ngược' tại Nam Cực]
Các chuyên gia phân tích rằng hiện tượng này làm tăng thêm mực nước biển - thậm chí có thể lên tới hàng mét vào thế kỷ 22, khiến sức tàn phá của các cơn bão hình thành từ các trận lốc xoáy nhiệt đới ngày càng khốc liệt.
Hợp tác nghiên cứu với chuyên gia Erik Ivins thuộc Phòng Thí nghiệm sức đẩy phản lực của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), giáo sư Andrew Shepherd tại Đại học Leeds nêu rõ cứ mỗi cm nước biển dâng sẽ gây lũ lụt và xói mòn các khu vực ven biển, tác động không nhỏ tới đời sống của người dân trên khắp hành tinh.
Ông cảnh báo nếu tiếp tục bị tác động theo kịch bản biến đổi khí hậu ở mức trầm trọng nhất, Nam Cực và Greenland đều sẽ chứng kiến mực nước biển dâng trên 17cm vào cuối thế kỷ 21.
Con số này chỉ tương ứng với 1/3 mực nước biển dâng theo dự báo vào năm 2100 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) với kịch bản ở giữa việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu - được cho là theo hướng lạc quan, và gia tăng không hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo đặc biệt của IPCC công bố hồi tháng Chín năm ngoái, ủy ban này dự báo mực nước biển sẽ dâng cao khoảng 50cm vào năm 2100 theo kịch bản RCP4.5 nồng độ khí nhà kính trung bình ở mức thấp.
IPCC cảnh báo nếu nhân loại không gìn giữ các thành quả đạt được trong việc hạn chế khí thải carbon thì ngay giữa thế kỷ 21 này, ước tính mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 43cm. Ở viễn cảnh bi quan nhất với việc khí thải carbon không ngừng tăng hoặc chính Trái Đất bắt đầu tăng tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính, mực nước biển thậm chí có thể dâng lên tới 84cm.
Trong thập kỷ qua, mực nước biển dâng khoảng 4mm mỗi năm. Tuy nhiên, tới thế kỷ 22, mức tăng này có thể tăng nhanh gấp 10 lần, cho dù theo kịch bản phát thải khí ở mức lạc quan nhất./.