Năm Du lịch Quốc gia 2024: Tạo đột phá phát triển cho Du lịch Điện Biên

Năm Du lịch Quốc gia-Điện Biên 2024 được tổ chức gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ góp phần xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Điểm cao đồi D1 được chọn làm vị trí đặt Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Điểm cao đồi D1 được chọn làm vị trí đặt Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Tỉnh Điện Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là địa điểm tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024 là năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên; 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949-10/10/2024); 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Điện Biên (1/1/2004-1/1/2024) và 270 năm Ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh.

Vì vậy, việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia-Điện Biên 2024 là cần thiết, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Các hoạt động trong Năm Du lịch Quốc gia góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; góp phần kích cầu, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Điện Biên thành một trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 9.541,25km2 . Nằm cách Thủ đô Hà Nội 504km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc với hơn 455km, trong đó đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712km; với Trung Quốc là 40,86km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, có đường hàng không từ Điện Biên Phủ đi Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

2011dienbien2.jpg
Khách tham quan cứ điểm Đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Điện Biên có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200m đến hơn 1.800m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Xen lẫn các dãy núi cao là các thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc.

Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa Đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng.

Nhiệt độ trung bình hằng năm từ 21-23 độ C, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em (Thái; Mông; Kinh; Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xi Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác). Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.

Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa-lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống Di tích Lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ gồm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ-Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Hầm De Castries).

Bên cạnh đó là rất nhiều các hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú, như Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông...

2011Dienbien3.jpg
Khám phá lòng hồ Pá Khoang (Điện Biên) bằng thuyền máy. (Ảnh: Xuân Tiến/TTVN)

Điện Biên có nhiều tiềm năng để xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch phong phú như du lịch lịch sử-tâm linh; du lịch văn hóa, sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và chăm sóc sức khỏe…

Năm 2024, Điện Biên phấn đấu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.200 tỷ đồng; tạo phát triển đột phá về du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo.

Tỉnh Điện Biên sẽ nâng cao chất lượng các chương trình du lịch, đồng thời khai thác điểm, tuyến du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường. Qua đây, tỉnh thúc đẩy triển khai đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại Khu Du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ-Pá Khoang và nhiều khu, điểm du lịch khác; cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ du lịch; thu hút nguồn lực đầu tư phát triển.

Những năm qua, Năm Du lịch Quốc gia đã diễn ra thành công ở nhiều địa phương trên cả nước như Thanh Hóa, Kiên Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Thuận.

Các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia được triển khai trên quy mô toàn quốc, thể hiện sự liên kết, hợp tác giữa nhiều địa phương trong phát triển du lịch. Thông qua đó, nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch trong xã hội ngày càng được nâng cao. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng nhanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục