Nam giới cũng mắc bệnh… “thiếu nữ gầy”

Xưa nay chán ăn thường được coi là “căn bệnh thiếu nữ”, tuy nhiên nó cũng có ở đàn ông, không quá hiếm, nhưng kín hơn và ít bị để ý hơn.
Xưa nay bệnh chán ăn (hoặc ăn rồi lại nôn ra) thường được coi là “căn bệnh thiếu nữ”, tuy nhiên khoa học vừa mới phát hiện chứng bệnh này cũng có ở đàn ông, không quá hiếm, nhưng được giấu kín hơn và ít bị để ý hơn.

Chàng trai “qua cầu gió bay”

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, Đức ngày 31/7 đã đề cập trường hợp của Lukas Schmidt (họ tên đã thay đổi), một người đàn ông sắp tam thập nhưng có thân hình teo tóp của đứa bé 12 - 13 tuổi.

Anh đã một lần tự tử bất thành, 6 tháng nằm viện và tham dự khóa điều trị đặc biệt ở Munich. Khi nhập viện với triệu chứng “chán ăn” Lukas cao lêu đêu như cây sào, chỉ nặng có 46kg và ở trong trạng thái “mười phần chết, một phần sống”.

Khi ở lứa tuổi mới lớn Lukas muốn kiểm soát cơ thể mình, ít nhất là như vậy, bởi sống phụ thuộc vào cha mẹ, anh chẳng được quyết định bất cứ việc gì. Vốn nghịch ngợm, hay đánh nhau, Lukas rất khó hòa đồng với mọi người và không thích người lớn ra lệnh ăn lúc nào và ăn cái gì. Cậu quyết chí mỗi ngày ăn một bữa và chỉ “nhập” có mỗi món rau trộn.

Rối loạn hành vi ăn uống mà đặc thù là thói chán ăn một thời gian dài được coi là “độc quyền” của phái nữ. Nhưng bây giờ thì ngày càng có nhiều giới mày râu mắc phải, và biểu hiện chán ăn hay đi kèm với triệu chứng nôn sạch sau khi ăn (bulimia). Các chuyên gia cho rằng vấn đề không chỉ phụ thuộc vào giới tính mà còn vào “hành vi giới tính” - nam giới không chịu nhận mình mắc “bệnh đàn bà”.

Theo kết quả điều tra của Viện Robert Koch ở Đức, ở độ tuổi 11 - 17, cứ 5 em thì có 1 em mắc triệu chứng rối loạn ăn uống. Ở các cậu bé tỷ lệ này là 15%, ở các cô bé là 30%.

Bác sĩ tâm lý Andreas Schnebele kể rằng ông đã gặp một ca bệnh nhí. Cậu bé mới 7 tuổi đã mắc chứng biếng ăn rất nặng, không chịu đưa bất cứ thứ gì vào miệng. Ba năm trước ông đã lập ra nhóm điều trị bệnh chán ăn dành riêng cho nam giới. Các bác sĩ chuyên ngành tâm lý, ăn kiêng và hoạt động xã hội điều trị theo nhóm từ 2 - 6 bệnh nhân. Để phục hồi nhu cầu ăn uống cần có thời gian lâu dài.

Các chuyên gia cho rằng căn bệnh chán ăn ở trẻ trai thường là hậu quả của mong muốn kiểm soát cơ thể. Các cậu bé cảm thấy mình bé nhỏ trước thế giới xung quanh hoặc có xung đột với cha mẹ, bạn bè. Tuy nhiên, không thể đóng khung hình mẫu gia đình mà trong đó những đứa trẻ thường bị rối loạn ăn uống. Nguyên nhân dễ nhìn thấy nhất là thanh thiếu niên hay bắt chước các cầu thủ, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng có thân hình “dây”.

Phần nổi của tảng băng chìm

Lukas có rất nhiều “bạn đồng bệnh” trên thế giới. Cuộc điều tra rối loạn ăn uống đầu tiên toàn nước Mỹ do Trường Y Harvard tiến hành, cho thấy 1/4 nam giới trưởng thành bị bệnh chán ăn. Mặc dù đã 20 năm nay hội chứng chán ăn được ngành y tế chú ý nhưng gần 850.000 đàn ông Mỹ bị rối loạn khá lâu mà bác sĩ vẫn không chẩn đoán đúng bệnh.

Trên tạp chí Biological Psychiatry (Chữa trị tâm lý sinh học) các nhà nghiên cứu khẳng định rằng nam giới cũng nhạy cảm chẳng kém phụ nữ trước sức ép của xã hội phải nhịn ăn cho đến khi đói lả hoặc nôn hết “khẩu phần” sau khi “tiếp nhận”.

Các chuyên gia tâm lý Mỹ cho biết rằng dáng hình ngày càng quan trọng đối với nam giới. Giữa họ có “quy ước lặng im” khiến cho tình trạng nhịn đói giữ eo thêm trầm trọng.

Ở Mỹ có 4,5% người lớn, tức 9,3 triệu dân, ở một thời điểm nhất định mắc chứng rối loạn ăn uống. 1,3 triệu người ở thể chán ăn, 2,1 triệu người ở thể ăn no rồi nôn. Ở dạng ăn vô độ (binge eating) có nhiều bệnh nhân hơn, 5,9 triệu người.

Thời gian gần đây nam giới phải chịu sức ép từ trào lưu “giữ dáng” quá khích. Lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp của chị em đã đạt độ bão hòa nên bây giờ đến lượt đàn ông được “o bế”.

Ở nam giới đã trưởng thành, bệnh chán ăn thường xuất hiện muộn hơn so với chị em và chủ yếu ở những người trước đây bị thừa cân. Khác với anorexia ở nữ (do tự nguyện, đôi khi là do tâm lý, bệnh lý), anorexia ở nam thường là triệu chứng của bệnh hoang tưởng.

Các nguy cơ mắc chứng chán ăn ở nam giới gồm: Thừa cân hồi bé; do di truyền, rối loạn tâm thần; tập các môn thể thao phải “khổ luyện” (vận động viên điền kinh có nguy cơ cao hơn so với cầu thủ và vận động viên cử tạ); công việc đòi hỏi “giữ eo” (người mẫu, diễn viên); đặc thù của nền văn hóa, thái độ của xã hội đối với việc ăn kiêng và đối với vẻ ngoài của người đàn ông.

Trước khi phát triển thành bệnh những người mắc chứng chán ăn thường có thân hình nhỏ, cơ bắp không nở nang, rối loạn tiêu hóa, ăn không thấy ngon, dị ứng với một số loại thực phẩm. Trong gia đình họ được nuôi dưỡng trong điều kiện ấm áp, bị bao bọc quá kỹ lưỡng. Luôn bị phụ thuộc vào cha mẹ nên họ quen để người thân quyết định mọi vấn đề của bản thân mình. Lớn lên, những người đàn ông kiểu này ít tiếp xúc với bên ngoài, không cởi mở, lạnh lùng, yếu đuối và mặc cảm.

Một số nam giới mắc chứng hoang tưởng về sự thừa cân bởi ngay cả khi cơ thể gầy gò họ vẫn cho là mình “quá ục ịch”. Để giảm cân, họ cũng làm như phụ nữ - không chịu ăn uống, móc họng để nôn thức ăn sau khi bị ép ăn, tập luyện quá sức cho đến khi kiệt quệ./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục