Công bố mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc các món ăn chế biến sẵn từ thịt cũng như các loạt thịt đỏ "có thể sinh ra chất gây ung thư ở người" ngay lập tức đã gây phản ứng trái chiều từ các nước ở Nam Mỹ, một trong những khu vực sản xuất cũng như tiệu thụ thịt đỏ hàng đầu thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, nhiều người chăn nuôi gia súc cũng như chủ các cửa hàng bán thịt Argentina đã bày tỏ nghi ngờ về thông tin trên của WHO về việc các món ăn chế biến từ thịt như xúc xích, thịt muối, nước sốt thịt có nhiều nguy cơ gây bệnh ung thư đường ruột, trong khi các loạt thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu có thể sản sinh ra chất gây ung thư.
Ông Alberto Samid, chủ chuỗi cửa hàng mang tên “Ông vua thịt” (Rey de la Carne), cho rằng điều này không đúng. Ông cho biết mỗi ngày cung cấp hàng chục tấn thịt bò tươi, xúc xích và thịt muối cho gần 100 cửa hàng tại thủ đô Buenos Aires và vùng lân cận, với khoảng 200.000 khách hàng.
Trong suốt 50 năm trong nghề, chưa từng thấy có bằng chứng nào về việc ăn thịt đỏ hay xúc xích sẽ mắc ung thư. Ông cho rằng nếu nhận định trên là đúng thì tại Argentina chắc hẳn đã xảy ra một “đại dịch ung thư từ nhiều năm nay.”
Ông cũng thừa nhận thịt hun khói hay xúc xích có hại cho người huyết áp cao bởi các sản phẩm này có nhiều muối, song việc sản phẩm này gây bệnh ung thư thì không đáng tin cậy.
Ông Juan Rodriguez, chủ cửa hàng bán thịt La Pampita, người làm nghề kinh doanh thịt bò trong 45 năm, cho hay nếu nói ăn thịt bò mà bị ung thư thì tại Argentina, không biết bao người đã chết vì thói quen ăn nhiều thịt bò.
Ông cho rằng cần cẩn thận với tất cả những đồ ăn chế biến và nhấn mạnh các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước cần tăng cường giám sát quá trình sản xuất.
Theo ông, đối với trường hợp thịt tươi sống, việc quản lý đơn giản hơn nhiều bởi nguồn gốc của sản phẩm được quản lý chặt chẽ từ nguồn gốc con bò, thực phẩm chăn nuôi cho đến quy trình vỗ béo và giết mổ.
Trong khi đó, người tiêu dùng Argentina khẳng định họ không lo ngại trước thông tin trên vì điều này không thể thay đổi được thói quen ăn nhiều thịt bò và đặc biệt là món thịt bò nướng.
Theo số liệu thống kê của Viện Ung thư Quốc gia tại Argentina, mỗi năm có khoảng 11.000 người trên tổng số hơn 40 triệu dân Argentina mắc bệnh ung thư và căn bệnh này là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở quốc gia Nam Mỹ.
Vào giữa thế kỷ trước, Argentina từng là quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới. Hiện, Argentina vẫn là quốc gia xuất khẩu thịt bò quan trọng trên thị trường và cũng là nước tiêu thụ thịt hàng đầu thế giới.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, mức tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người ở nước này vào khoảng 90 kg/năm, con số này giảm xuống còn 60kg hiện nay.
Các nước láng giềng khác ở Nam Mỹ như Brazil, Paraguay và Uruguay cũng là nước xuất khẩu thịt chủ chốt trên thế giới. Giống như Argentina, món thịt bò nướng cũng là món ăn đặc trưng và được ưa thích.
Tại Brazil, nước sản xuất thị hàng đầu Mỹ Latinh, mức tiệu thụ thịt bò bình quân đầu người gấp 3 lần so với mức trung bình ở châu Âu.
Còn tại Uruguay, mức tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người năm 2014 đạt gần 59kg.
Tại Argentina, hiện nay có khoảng 52 triệu con bò, ít hơn so với năm 2000. Còn tại Uruguay, quốc gia với gần 4 triệu dân, có tới gần 12 triệu con bò. Ở Paraguay, với 7 triệu dân thì có 14 triệu con bò.
Tỷ lệ trung bình số đầu bò trên đầu người tại 3 nước trên lần lượt là 1,26 con/người (Argentina), 3,47 (Uruguay) và 2 (Paraguay).
Khác với chăn nuôi tại Mỹ và Mexico, tại các quốc gia thuộc Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), việc sử dụng các nội tiết tố tăng trưởng phụ (hormone) để cải thiện chất lượng thịt và tốc độ phát triển cơ bắp hoàn toàn bị cấm.
Cũng tại Nam Mỹ, đàn bò nuôi theo hình thức chăn thả và không bị nuôi nhốt./.