Nam Phi cùng bài toán giải ngân gói hỗ trợ các doanh nghiệp

Theo bài viết đăng tải trên trang mạng dailymaverick.co.za, Chính phủ Nam Phi đã cam kết chi hơn 27 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nước này trước tác động của COVID-19.
Nam Phi cùng bài toán giải ngân gói hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh 1Một nhà máy dệt may tại Nam Phi. (Ảnh: MG)

Trang mạng dailymaverick.co.za đăng bài phân tích về tình trạng của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SMME) tại Nam Phi trước tác động của đại dịch COVID-19 và khuyến nghị 3 giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả giải ngân của gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp này.

Theo bài viết, Chính phủ Nam Phi đã cam kết chi hơn 27 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nước này trước tác động của COVID-19.

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo “Khảo sát Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong đại dịch COVID-19” (CombatCovid SMME Survey) mới công bố của nền tảng đào tạo doanh nhân Heavy Chef và tổ chức phi lợi nhuận Heavy Chef Foundation cho thấy 68% các doanh nghiệp SMME đã nộp đơn đề nghị cứu trợ từ Chính phủ Nam Phi, nhưng không thành công.

Lúc này, để vượt qua khủng hoảng, Nam Phi cần những quyết định táo bạo, bao gồm việc chuyển một phần Quỹ cứu trợ COVID-19 sang các bên cho vay thay thế, đầu tư vào công nghệ tài chính sẵn có và thiết lập một trung tâm nghiên cứu SMME hậu COVID-19.

Hiện nay, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp SMME của Nam Phi, chính phủ và các ngân hàng nước này đang ở trong “mớ bòng bong.”

Báo cáo của Heavy Chef và Heavy Chef Foundation nhấn mạnh mối nguy hiểm của sự rạn nứt trong mối quan hệ trên. Điều này đòi hòi biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình hình trước khi quá muộn.

Những con số biết nói

Kết quả nghiên cứu đưa ra nhiều thống kê rất nghiêm trọng: Có một trong ba doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Nam Phi đã phải cắt giảm mức lương từ 75% đến 100%; nếu tình trạng phong tỏa kéo dài sẽ khiến 71% SMME phải thực hiện cắt giảm lao động. Thậm chí, sau tháng 7/2020, 75% SMME sẽ phá sản nếu tình trạng phong tỏa tiếp tục duy trì.

Tình trạng bi đát được đề cập trong báo cáo trên không đáng ngạc nhiên, bởi Nam Phi đang trải qua những tình huống đặc biệt. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy các kênh cứu trợ hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của nhóm SMME.

Nguyên nhân là do những khó khăn hiện nay đã bắt nguồn từ trong quá khứ. Trong 3 thập kỷ qua, Chính phủ Nam Phi đã cam kết sẽ giảm bớt rào cản đối với SMME.

Tuy nhiên, Nam Phi hiện xếp thứ 139 trên tổng số 190 quốc gia về mức độ thuận lợi hoạt động cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Ngay cả trước COVID-19, Nam Phi hầu như không cho thấy những nỗ lực để cải thiện tình hình.

[IMF khuyến nghị Nam Phi tăng tốc cải cách để vực dậy nền kinh tế]

Xét theo khía cạnh này, Nam Phi rõ ràng đang tụt lại rất xa so với nhiều nước láng giềng châu Phi. Trung bình, tại Nam Phi, cần 40 ngày để đăng ký kinh doanh, trong khi ở Rwanda, con số này chỉ là 4 ngày.

Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy 87% SMME của Nam Phi phải tự tìm kiếm nguồn tài chính và có không đến 1% số doanh nghiệp diện này chính thức đề nghị vay vốn từ ngân hàng.

Các doanh nghiệp nhỏ (có đăng ký) đóng góp đến 28% số việc làm ở Nam Phi. Nếu cộng gộp tất cả các thương nhân không chính thức và các doanh nghiệp siêu nhỏ, khu vực doanh nghiệp nhỏ ước tính đóng góp đến 47% việc làm.

Trong Thông điệp quốc gia năm 2018, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết từ năm 2030, các doanh nghiệp nhỏ và đang mở rộng sẽ đóng góp 90% việc làm của nước này.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này là không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp nhỏ của “đất nước Cầu Vồng.” Điểm đáng nhấn mạnh trong báo cáo của Heavy Chef là 68% số đề nghị cứu trợ của SMME hiện không được đáp ứng.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi có một tỷ lệ đáng kể trong số các doanh nghiệp SMME tỏ ra hoài nghi đối với tuyên bố của Tổng thống Ramaphosa về “các quỹ cứu trợ chưa từng có tiền lệ trị giá 5,4 tỷ USD” để hỗ trợ cộng đồng SMME trong đại dịch COVID-19.

Phần lớn doanh nghiệp SMME tham gia khảo sát cho biết họ đã chịu tổn thất đáng kể và buộc phải cắt giảm lao động. Rất nhiều trong số doanh nghiệp này không thể tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ công tác phòng chống tác động của COVID-19.

Dù chính phủ và một số gia đình giàu có ở Nam Phi đã cung cấp các khoản cứu trợ, song dường như sự hỗ trợ đó không đến được các chủ doanh nghiệp cần nhất, khiến niềm tin vào chính sách thấp.

Bên cạnh đó, cũng phải tính đến các yếu tố như thông tin báo cáo tài chính lạc hậu, không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài liệu đăng ký không đầy đủ theo quy định và không tiếp cận với những kế toán viên đã đăng ký và đủ điều kiện. Hầu hết các doanh nhân dị ứng với các thủ tục đăng ký trợ cấp đầy khó khăn, phiền hà.

Có lẽ đây là câu trả lời cho câu hỏi tại sao trong số 47% SMME đã nộp đơn xin cứu trợ tài chính từ ngân hàng hoặc quỹ, chỉ có 32% thành công? Nói cách khác, chỉ khoảng 15% tổng số SMME nhận được cứu trợ tài chính COVID-19. 

Những bước đi táo bạo

Ở quốc gia này, các đơn xin trợ cấp phải tuân theo các tiêu chí kiểm tra tín dụng truyền thống của các ngân hàng và trong nhiều trường hợp đòi hỏi sự chắc chắn và an toàn.

Do vậy, sẽ rất khó khăn và tốn kém để bảo lãnh cho các doanh nghiệp SMME với doanh thu hàng năm không quá 540.000 USD để hưởng hỗ trợ theo quy định.

Ngay cả đối với Chương trình bảo lãnh cho vay của Kho bạc Nhà nước Nam Phi nhằm giúp các doanh nghiệp cỡ trung bình, khoảng 85% SMME cũng sẽ không nhận được hỗ trợ.

Các nhà tài trợ tốt nhất có thể hỗ trợ các doanh nghiệp này là những bên cho vay phi ngân hàng có mô hình cho vay dựa trên dòng tiền, đồng thời sử dụng thẻ điểm rủi ro và phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu, thay vì mô hình dựa trên tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, những bên cho vay phi ngân hàng này hiện không được Chính phủ Nam Phi hỗ trợ, nên vẫn tồn tại khoảng cách trong hệ thống.

Nam Phi hiện có nhiều tổ chức công nghệ tài chính như Zapper, Snapscan, iKhoka và Yoco. Đây là những lựa chọn tài chính với sự đổi mới sáng tạo đã được công nhận trên toàn cầu. Những trường hợp khác như Payfast đã hiện diện trên khắp lục địa và phục vụ hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để ngăn chặn tình trạng sụp đổ của các SMME, Nam Phi cần mở ra các kênh hỗ trợ mới, nếu không sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng liên quan đến mất việc làm, vòng xoáy nợ và suy thoái kinh tế.

Nam Phi hiện phải đối mặt với mối đe dọa sống còn, nhưng cũng có cơ hội chưa từng có để đẩy nhanh các quyết định mà nếu bỏ qua, nước này sẽ mất nhiều năm để vượt qua vô số tầng lớp quan liêu.

Báo cáo của Heavy Chef khuyến nghị Chính phủ Nam Phi ba điều. Thứ nhất, chính phủ cần phân bổ nguồn tài chính trị giá 540 triệu USD để thực hiện chương trình bảo lãnh tài trợ phi ngân hàng.

Điều này sẽ cho phép tiền mặt chảy thẳng vào các chủ sở hữu SMME, vốn đang rất cần hỗ trợ để vượt qua cơn bão hiện nay. Nam Phi hiện có các nền tảng đổi mới sáng tạo về hỗ trợ tài chính tầm cỡ quốc tế như Yoco và sản phẩm “Tiền mặt thương gia ứng trước” (Merchant Cash Advance) của Retail Capital. 

Các thành viên của Hiệp hội Tài chính SMME Nam Phi (SASFA) và nhà cho vay phi ngân hàng khác có nền tảng, nguồn nhân lực và các quy trình sẵn sàng phân phối các quỹ này.

Thứ hai, Chính phủ nên dành 5,4 triệu USD cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hoạt động trên lĩnh vực công nghệ tài chính. Không nên bỏ qua vai trò của công nghệ được đề cập trong Chiến lược Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Nam Phi.

Thông qua đầu tư công nghệ tài chính, cơ hội để thực hiện quy trình đề nghị hỗ trợ có thể được thực hiện hiệu quả và dễ tiếp cận hơn. Bằng cách sử dụng công nghệ hiện có, Nam Phi không chỉ có cơ hội giải quyết nhiều nhu cầu hỗ trợ SMME hiện tại mà còn có thể xây dựng mô hình tài trợ SMME bền vững và dễ tiếp cận hơn.

Một trong những ứng dụng có thể sử dụng là API (giao diện chương trình ứng dụng) - ứng dụng có khả năng kết nối nhiều giải pháp phần mềm và dữ liệu có thể được lưu chuyển qua lại lẫn nhau khi cần thiết và được ủy quyền, ví dụ như nền tảng “Cho vay thay thế” (Alternative Lending).

Trên thực tế, thông qua nền tảng “Cho vay thay thế”, SMME có thể chia sẻ thông tin tài chính và phi tài chính hiện tại với một công ty “Cho vay thay thế” - công ty này sau đó có thể đánh giá dữ liệu nhận được, thực hiện phê duyệt hoặc từ chối tài trợ được yêu cầu - thường chỉ trong vài giờ.

Thời gian để thiết lập ứng dụng “Cho vay thay thế” thậm chí còn ngắn hơn và không yêu cầu bất kỳ giấy tờ truyền thống nào.

Ngoài ra, “Bên cho vay thay thế” có thể theo dõi doanh nghiệp SMME đi vay sử dụng nguồn tài chính được cấp như thế nào và bên cho vay có thể điều chỉnh mức lãi suất theo rủi ro hoặc thậm chí tự động phê duyệt cấp thêm hỗ trợ cho SMME đó - ngay cả trước khi bên đi vay nộp đơn để tiếp tục được hỗ trợ.

Thứ ba, chính phủ nên dành 540.000 USD để mở rộng triển khai nghiên cứu của chính Heavy Chef. Trong vòng 7 ngày, Heavy Chef và các đối tác đã tiếp cận cộng đồng gồm 500.000 SMME và có được hơn 2.280 mẫu khảo sát hoàn thiện.

Đây là nỗ lực lớn chung, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để xác định các cơ hội và thách thức mà SMMEs phải đối mặt, nâng cao nhận thức, cũng như xúc tác cho đối thoại và hành động cần thiết.

Hiện tại các tổ chức khác nhau như Đối tác kinh doanh, Hội đồng Nghiên cứu khoa học nhân văn (HSRC), Viện Doanh nghiệp nhỏ… đang triển khai nhiều sáng kiến thu thập thông tin tập trung vào các khía cạnh quan trọng khác nhau của hệ sinh thái SMME.

Tuy nhiên, việc phát triển các chiến lược đổi mới sáng tạo và đột phá để hỗ trợ các SMME đòi hỏi nỗ lực hợp tác nghiên cứu giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu thực địa, đồng thời cần được thúc đẩy bởi một nhóm chuyên trách để đảm bảo sự giám sát và tính trách nhiệm, cũng như được hỗ trợ bởi các nguồn tài chính và phi tài chính quan trọng.

COVID-19 mang đến cho Nam Phi cơ hội tái tạo mạnh mẽ nhằm hỗ trợ, tài trợ và tư vấn cho SMME bằng cách sử dụng công nghệ có sẵn, với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không thể trông chờ vào các cơ quan chính phủ và các ngân hàng để quản lý thách thức to lớn trong việc giải ngân hỗ trợ tài chính cho nhóm doanh nghiệp SMME vốn được coi là huyết mạch của kinh tế Nam Phi.

Theo bài viết, ba khuyến nghị nêu trên không những cải thiện đáng kể sự thành công của nguồn hỗ trợ phòng chống COVID-19 hiện tại, mà còn đảm bảo sự tăng trưởng nhanh chóng của cộng đồng SMME được kết nối nhiều hơn và phù hợp hơn trong nhiều năm tới.

Khủng hoảng COVID-19 đang xảy ra với hậu quả hiện hữu. Với nguồn nhân lực và công nghệ hiện có, Nam Phi hiện cần các quyết định táo bạo để ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các doanh nghiệp SMME./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục