Nam Phi hướng đến thị trường châu Á nhằm phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Nam Phi đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu nho tươi đến Việt Nam và Hàn Quốc, xuất khẩu bơ đến Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như xuất khẩu lê đến Trung Quốc và Ấn Độ.
Nam Phi hướng đến thị trường châu Á nhằm phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ảnh 1Thu hoạch nho ở Nam Phi. (Nguồn: fruitnet.com)

Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi (DIRCO) Naledi Pandor cho biết Chính phủ Nam Phi đã tạo được dấu ấn đáng kể tại các thị trường châu Á nhằm đưa nước này trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế như trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Phát biểu trước Quốc hội Nam Phi ngày 17/2, Bộ trưởng Pandor nêu rõ DIRCO sẽ xác định những cơ hội mới và mở rộng những cơ hội có lợi cho Nam Phi ở nước ngoài. Đặc biệt, Nam Phi đã tạo dựng dấu ấn đáng kể ở châu Á - châu lục có nhiều triển vọng nhất về khả năng nhanh chóng trở lại mức tăng trưởng kinh tế trước COVID-19.

Theo Bộ trưởng DIRCO, năm 2020, Nam Phi đã gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á để tiếp nhận các cơ hội phát triển và thương mại đáng kể sẵn có ở khu vực này.

"Đất nước Cầu vồng" cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác. RCEP tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 26.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu.

[Dịch COVID-19 kéo nền kinh tế Nam Phi trượt dốc chưa từng thấy]

Bộ trưởng Pandor cho biết Chính phủ Nam Phi tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu đưa nước này trở thành nơi tốt nhất để tham quan, kinh doanh, làm việc, học tập và sinh sống. Ngành ngoại giao Nam Phi đang nắm bắt các cơ hội mới và khai thác khả năng tập thể từ các nguồn lực của DIRCO cả trong và ngoài nước để góp phần đạt được mục tiêu này.

Nam Phi sẽ thúc đẩy sự tham gia với ASEAN để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch theo hướng cùng có lợi, đồng thời hỗ trợ phát triển và đào tạo kỹ năng cho người dân Nam Phi.

Nam Phi hướng đến thị trường châu Á nhằm phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ảnh 2(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Quốc gia miền Nam châu Phi này đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu thịt bò sang thị trường Malaysia kể từ tháng 11/2020, xuất khẩu trái cây sang Thái Lan. Nam Phi đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu nho tươi đến Việt Nam và Hàn Quốc, xuất khẩu bơ đến Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như xuất khẩu lê đến Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Bộ trưởng Pandor, tổng thương mại hai chiều với châu Á, Trung Đông và châu Đại Dương lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ rand (khoảng 69 tỷ USD) vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa. Nhiều công ty châu Á đã đưa ra những cam kết đầu tư đáng kể trong các hội nghị thượng đỉnh đầu tư và các chuyến thăm cấp Nhà nước của các bên liên quan.

Các công ty như Toyota, Isuzu (Nhật Bản), Tata Motors, Mahindra và Motherson Sumi (Ấn Độ),… đã mở rộng đầu tư vào Nam Phi. Gần đây, Trung Quốc đã cam kết đầu tư 14 tỷ USD, trong khi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) mỗi nước cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Nam Phi.

DIRCO nhấn mạnh Nam Phi xây dựng những thành công tren bằng cách đảm bảo thương mại toàn cầu ngày càng phát triển. Đây là một trong những cách tốt nhất để giải quyết vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng và thất nghiệp ở Nam Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục