Nam Phi khởi động ứng dụng mới ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai

COVID Alert SA sử dụng bluetooth nhằm nhận diện người dùng nếu họ có tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm cả người lạ trong các cửa hàng bán lẻ, trên các phương tiện giao thông...
Nam Phi khởi động ứng dụng mới ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai ảnh 1Binh lính Nam Phi kiểm tra thân nhiệt cho một người dân tại ngoại ô thủ đô Pretoria, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Nhằm đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và ngăn làn sóng lây nhiễm thứ hai, Bộ Y tế Nam Phi đã khởi động một ứng dụng mới trên điện thoại di động thông minh.

Thông báo về ứng dụng có tên COVID Alert SA ngày 3/9, bộ trên nêu rõ: "Công nghệ là chìa khóa giúp làm chậm lại đà lây lan của dịch bệnh và đẩy nhanh việc trở lại cuộc sống bình thường."

Thông báo cũng nêu rõ rằng việc truy vết tiếp xúc là một trong những mặt trận quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch.

Đây là ứng dụng điện thoại di động mới nhất sử dụng hệ thống Nhận diện Phơi nhiễm do Apple và Google phát triển ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nất trên thế giới.

Ứng dụng này sử dụng công nghệ bluetooth nhằm nhận diện người dùng nếu họ có tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm cả người lạ trong các cửa hàng bán lẻ, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở bất cứ nơi công cộng nào.

[So sánh tốc độ lây lan COVID-19 ở các nước có ca mắc và tử vong cao]

Bộ trên khẳng định ứng dụng mới sẽ đem lại mọi người cơ hội hiểu về nguy cơ phơi nhiễm để có thể bảo vệ các thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Đây được coi là công cụ quan trọng để chiến đấu chống dịch, và có thể giúp giảm đà lây lan của virus và cứu tính mạng mọi người.

Tổng thống Cyril Ramaphosa đã hoan nghênh việc khởi động ứng dụng mới, khẳng định đây là "một mốc lớn trong cuộc chiến chống dịch của nước này, và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai."

Ông nêu rõ: "Càng có nhiều người tải ứng dụng này, thì hiệu quả sẽ càng cao trong việc ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới."

Tuy nhiên, Tổng thống Ramaphosa khuyến cáo người dân vẫn cần tuân thủ các quy định phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay đúng cách và thường xuyên, đảm bảo giãn cách xã hội và các biện pháp phòng khác để đảm bảo an toàn.

Đến nay, Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất tại châu Phi, với 630.595 ca nhiễm và 14.389 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.336 ca nhiễm mới và 126 ca tử vong.

Trong khi đó, Tổng Kiểm toán Nam Phi Kimi Makwetu cho biết ngân sách chống dịch viêm đường hô hấp COVID-19 trị giá hàng tỷ USD của nước này đã bị thất thoát nghiêm trọng thông qua các hành vi tham nhũng, gian lận và nâng giá.

Trong chiến dịch nhằm làm trong sạch chính phủ, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã yêu cầu Tổng Kiểm toán Makwetu xem xét kỹ lưỡng các khoản chi chống dịch vào tháng Sáu vừa qua.

Nam Phi đã dành 147,7 tỷ rand (8,7 tỷ USD) để các cơ quan nhà nước tiến hành trợ cấp thực phẩm, mua thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), trợ cấp xã hội cho người thất nghiệp và thực hiện nhiều biện pháp khác.

Ông Makwetu và nhóm kiểm toán đã phát hiện hàng loạt khoản chi đáng ngờ.

Kết quả kiểm toán đến thời điểm này cho thấy đã có dấu hiệu tăng giá, lừa đảo và né tránh quản lý chuỗi nguồn cung. Một số mặt hàng do cơ quan y tế đặt mua đã tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần giá thực.

Ngoài ra, ông Makwetu cũng phát hiện một số lỗ hổng trong việc chi ngân sách, cũng như sự vi phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng khoản quỹ trợ cấp thất nghiệp của các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Lao động Nam Phi Thulas Nxesi cho biết đã mở cuộc điều tra đối với 38 vụ án hình sự liên quan.

Ngày 27/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố phát động cuộc chiến chống tham nhũng bằng việc điều tra hành vi tham ô liên quan công tác mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19.

Ông nêu rõ ít nhất 11 cơ quan chính phủ đang tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng liên quan đến dịch bệnh.

Theo Tổng thống Ramaphosa, không chỉ Nam Phi, các quốc gia khác ở châu Phi cũng đang phải đối mặt với vấn đề tham nhũng liên quan nguồn cung các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.

Nam Phi đã ghi nhận tổng cộng 630.595 ca mắc COVID-19, trong đó 14.389 người tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục