Nâng cao hiểu biết về sở hữu trí tuệ, tận dụng các ưu đãi từ EVFTA

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để khai thác được thị trường EU, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ.
Nâng cao hiểu biết về sở hữu trí tuệ, tận dụng các ưu đãi từ EVFTA ảnh 1Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị phổ biến Hiệp định EVFTA. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết rất cao, nhất là những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy việc nắm bắt thông tin qua đó khai thác được những lợi thế mà hiệp định mang lại là yêu cầu hết sức cần thiết.

Đây cũng là chủ đề chính tại Hội nghị phổ biến các nội dung của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/8, tại Hà Nội.

[EVFTA: Quản lý chất lượng hàng hóa theo chuỗi, nguồn gốc, xuất xứ]

Nhiều dòng thuế sẽ về 0%

Ngày 30/6/2019, hiệp định EVFTA đã chính thức được ký kết, mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho nhiều ngành, lĩnh vực của cả hai bên.

Với Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, EVFTA dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.

Cụ thể, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm thì 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho biết Hiệp định EVFTA sẽ giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, EVFTA còn là động lực giúp cải cách thể chế và môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, hiệp định còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó giúp Việt Nam nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để hình thành chuỗi giá trị mới

“Việt Nam có cơ hội trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại-đầu tư của EU tại khu vực ASEAN,” ông Lương Hoàng Thái nói.

Nắm vững các quy định về sở hữu trí tuệ

Mặc dù cơ hội mở ra rất lớn, song theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.

“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi ‘bước chân ra biển lớn’, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu,” người đứng đầu Bộ Công Thương lưu ý.

Theo đánh giá của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra khá phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, do vậy cần xây dựng một chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp, ông Linh cũng đề nghị tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thực thi công vụ. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin và biện pháp thực hiện.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) khuyến nghị thêm các doanh nghiệp về các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Theo đó, các biện pháp kỹ thuật chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (TPM) mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPM, không chỉ áp dụng đối với việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê..., mà còn áp dụng với việc tàng trữ với mục địch thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy.

Hay các biện pháp ảnh hưởng thông tin quản lý quyền sở hữu trí tuệ (RMI) không chỉ bảo vệ thông tin đối với bản gốc, mà còn bảo vệ thông tin với bản sao, bản công bố ra công chúng.

Đại diện VCCI lưu ý thêm, đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo, mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Đồng thời với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên.

“Đây là yếu tố đặc biệt đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ,” bà Trang thông tin thêm./.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị về hiệp định EVFTA:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục