Nâng cao hiệu quả các nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia

Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại phiên họp tháng 4/2023, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nâng cao hiệu quả các nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, với 454/474 đại biểu (chiếm 91,16%) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Luật Cảnh sát cơ động được thông qua gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động như kinh phí, cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.

Luật quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, bổ sung thêm 2 quyền hạn.

Thứ nhất là được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi nguy hiểm sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Quyền hạn thứ hai được bổ sung thêm cho cảnh sát cơ động là ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong phiên họp sáng, với 469/475 đại biểu tán thành (chiếm 94,18%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.”

Quốc hội phân công ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn, còn Phó Trưởng đoàn Thường trực là ông Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Phạm vi giám sát là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1/1/2018 (sau khi Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017) đến ngày 31/12/2022 trên phạm vi cả nước.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

[Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động]

Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại phiên họp tháng 4/2023, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Với 465/471 đại biểu (chiếm 93,37%) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.”

Nghị quyết phân công ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn; Phó Trưởng đoàn thường trực là ông Y Thanh Hà Niê K’đăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; 2 Phó Trưởng đoàn: Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước; Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước; Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước.

Đoàn giám sát sẽ đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; đồng thời kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Thời gian còn lại của phiên họp sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án Luật; thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án Luật.

Nâng cao hiệu quả các nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn lại nhiều vụ án như đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ Mobifone…

Theo đại biểu, tất cả những vụ này đều có điểm chung là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai. Đại biểu cho rằng: "Về nguyên lý, bất kể cái gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước". Do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An), việc thực hiện dân chủ doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức, phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.

Giải trình tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là một dự án Luật khó, đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể; cũng là một dự án Luật quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức sâu sắc.

Phương pháp tiếp cận, cách thiết kế của dự án Luật này đã lấy vai trò chủ thể chủ đạo, trung tâm là nhân dân.

Đối với việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp được nhiều đại biểu cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nội dung này là kế thừa các quy định trước đó và không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng, xung đột các bộ luật, không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế về lao động Việt Nam tham gia và bảo đảm đưa mối quan hệ hài hòa, hợp tác phát triển.

Nếu doanh nghiệp làm tốt thì là biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa và nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội.

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các nhóm chủ thể tác động để đánh giá bổ sung, hoàn thiện thêm dự án Luật.

Nâng cao ý thức người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình

Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Các đại biểu tán thành cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Nâng cao hiệu quả các nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 3Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm việc với Tổ công tác của đoàn giám sát của Quốc hội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Đối với biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, nhiều đại biểu cho rằng đây là việc cần tiến hành sớm, tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền.

Các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay thì cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định.

Đồng thời cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.

Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.”

Đại biểu cho rằng việc mở rộng đối tượng như vậy là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi luật này.

Khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 3 Giải thích từ ngữ về khái niệm “người có nguy cơ bị bạo lực gia đình” nhằm giúp các cá nhân, tổ chức, cơ quan trợ giúp có thể xác định được những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình để có cơ hội chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bạo lực một cách tập trung và chủ động.

Theo đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (Thành phố Hồ Chí Minh), Luật hiện hành chỉ mới tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây bạo lực gia đình bằng xử lý hành chính hoặc hình sự, trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình có hiệu quả, biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của đối tượng này chưa được chú trọng.

Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được tư vấn về bạo lực gia đình vào khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật, thêm những người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật quy định quyền của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình.

Đồng thời đại biểu kiến nghị cân nhắc tâm lý, nguyện vọng của người bị bạo lực gia đình khi muốn được cư trú tại nhà mình nhằm tránh tạo thêm gánh nặng tâm lý cho người bị bạo lực, không nhất thiết phải tạm lánh như quy định ở điểm a, khoản 2, Điều 30 của dự thảo Luật.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đây là một Luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, có liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi các luật khác về trẻ em, về người cao tuổi, về hôn nhân gia đình. Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế được những điều luật mới vừa đảm bảo hợp lý, thống nhất không phải việc đơn giản.

Đối với nhóm vấn đề về hành vi bạo lực gia đình, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật trình lần này đã phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nhận diện và kiểm định đầy đủ các hành vi này.

Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thực hiện hòa giải, quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh truyền thông để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục