Nâng cao tính pháp lý của thị trường bất động sản

Mục tiêu cải cách Pháp lệnh thuế nhà, đất nhằm khuyến khích phát triển thị trường bất động sản hiện nay, nâng cao tính pháp lý hiện hành.

Hiện tại, Dự thảo Luật thuế nhà, đất đang được soạn thảo để thay thế Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992 (sửa đổi năm 1994).
Sáng 1/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật thuế nhà, đất”.

Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia về tính thống nhất, hợp lý, khả thi và hiệu quả của dự thảo này để Ban soạn thảo và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.

Hiện tại, Dự thảo Luật thuế nhà, đất đang được soạn thảo để thay thế Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992 (sửa đổi năm 1994). Dự thảo Luật ra đời nhằm khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành; tăng cường quản lý Nhà nước đối với nhà, đất, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI cho biết, Pháp lệnh thuế và nhà đất đã được Quốc hội thông qua từ năm 1992, tuy nhiên còn nhiều hạn chế về đối tượng dự thuế, đặc biệt là thuế nhà, chưa phù hợp và chưa đầy đủ, chưa theo quy định, quy chế năm 2007. Vì thế, Quốc hội đã đưa vào cải cách hệ thống thuế 2010 được mở rộng đối tượng để phù hợp với chủ trương cải cách thuế.

Mục tiêu cải cách lần này để khuyến khích phát triển thị trường bất động sản hiện nay, nâng cao tính pháp lý hiện hành, từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quá trình hội nhập, động viên sự đóng góp của người sử dụng nhà.

Tình hình thực hiện Pháp lệnh thuế ban hành từ năm 1992 đến nay đã đạt được như sau: tăng cường quản lý Nhà nước với người sử dụng đất ở; thực hiện các chính sách của Nhà nước; động viên được sự đóng góp của người dân vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng bộc lộ một số hạn chế như đối tượng chịu thuế nhà, đất chưa phù hợp với thực tế; có ý kiến nói rằng cần xem xét lại cơ chế tính giá đất, khoảng thời gian xác định giá đất để tính thuế.

Trao đổi tại buổi hội thảo, giáo sư, tiến sĩ Đặng Hùng Võ, Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính Đại học quốc gia Hà Nội, đã chỉ ra những điều chỉnh cần thiết trong luật thuế nhà đất. Thứ nhất là cần làm rõ nguyên tắc tính thuế là thuế được áp trên thu nhập từ sử dụng nhà-đất hay diện tích nhà-đất hay giá trị nhà-đất.

Thứ hai là hạn mức tính thuế: Dự thảo Luật Thuế nhà đất đưa ra cách thức tính hạn mức bao gồm: Hạn mức nhà tính thuế được xác định theo giá trị nhà, nhà từ 600 triệu đồng trở xuống không tính thuế, nhà trên 600 triệu đồng tính chung một mức thuế; hạn mức đất được xác định theo diện tích, dưới hạn mức cơ bản chịu thuế suất 0,03%, từ hạn mức cơ bản tới 3 lần hạn mức cơ bản chịu thuế suất 0,06% và trên 3 lần hạn mức cơ bản chịu thuế suất 0,09%; hạn mức hướng tới tính theo hộ gia đình.

Còn tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam thì cho rằng, mục đích lập pháp cần được xác định rõ ràng, chuẩn xác xem có phù hợp hay không. Luật đất đai của Việt Nam không có mục đích ban hành trong khi các quốc gia khác đều có. Tuy vậy, cần tăng cường quản lý của Nhà nước với đất đai.

Theo ông Liêm, về mục đích của thu thuế nhà đất cần chú ý một số điểm sau: trong luật có mục tiêu 3 là góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất thì không rõ ràng, bởi không có định nghĩa rõ ràng về thành phần đầu cơ là như thế nào. Hiện nay, không biết có bao nhiêu người đầu cơ nhà đất để đánh thuế vào số lượng người này. Do vậy, không nên đưa mục tiêu này vào luật. Vả lại thuế suất thấp như vậy thì việc đánh thuế này có làm giảm hiện tượng đầu cơ được hay không.

Mục tiêu thứ 4 là khuyến khích thị trường bất động sản lành mạnh. Mục tiêu thứ 5 là đóng góp vào ngân sách nhà nước, nhưng lượng tiền đóng góp được tới đâu lại phụ thuộc vào lượng tiền thuế thu được. Nguồn thu từ thuế nhà đất thường rất ổn định và thường được chi vào các dịch vụ cho khu nhà.

Theo ông Liêm, chính sách đánh thuế phải có một lộ trình. Thuế suất chưa nên nâng cao và nên để người thu và người dùng tiếp cận dần với việc thu thuế này./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục