Năng suất mía tăng trở lại, nhà máy đường có lãi

Sau nhiều năm “dẫm chân tại chỗ,” niên vụ 2010-2011, năng suất mía tăng trở lại và hấp dẫn người nông dân, các nhà máy đường đều có lãi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết sau nhiều năm “dẫm chân tại chỗ,” niên vụ 2010-2011, năng suất mía nguyên liệu của cả nước đã tăng trở lại, cây mía đã hấp dẫn được người nông dân và tất cả các nhà máy đường đều có lãi.

Con số thống kê được đưa ra tại hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2010-2011 diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/7 cho thấy, diện tích mía cả nước hiện đat 271.400ha, trong đó 25 tỉnh nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía. Tổng diện tích mía cung cấp cho vụ ép 2010-2011 là 248.761ha; tăng 6.348ha so với vụ trước.

Do được đầu tư thâm canh, chăm sóc tốt trong điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất mía ở các vùng tăng cao, trong đó năng suất mía đồi cao, đưa năng suất bình quân mía vùng nguyên liệu lên khoảng 60,5 tấn/ha (tăng khoảng 8,6 tấn/ha so với vụ trước).

Sản lượng mía đạt 15.045,1 nghìn tấn, cung cấp 12.356.900 tấn mía ép, tăng 2.788.050 tấn so với vụ trước.

Để giảm bớt tình trạng lộn xộn trong thu mua nguyên liệu, niên vụ 2010-2011, tổng diện tích mía các nhà máy ký hợp đồng và đầu tư cho người trồng là 218.666ha (chiếm 97,9% diện tích vùng nguyên liệu tập trung), sản lượng mía ép công nghiệp đạt 12.356.900 tấn, tăng 2,78 triệu tấn, đáp ứng được 73,3% công suất thiết kế của các nhà máy.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, để có kết quả này, các công ty, nhà máy đường đã chủ động phối hợp với các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát quỹ đất và xây dựng quy hoạch vùng mía; nhiều tỉnh đã công bố phân chia, quy hoạch diện tích mía cho từng nhà máy.

Bên cạnh đó, việc liên kết với các Viện, trường và công ty thương mại trong công tác giống mía, kỹ thuật thâm canh mía và công tác cơ giới hóa, làm đất, trồng, chăm bón, thu hoạch mía được duy trì thường xuyên và có hiệu quả.

Vụ ép mía 2010-2011, giá đường ở mức cao ngay từ đầu vụ nên các công ty đường đã đưa ra giá mua khá hợp lý (900-1.200 đồng/kg), không có sự biến động lớn giữa các vùng miền như các năm trước nên đơn vị chế biến và hầu hết người trồng mía đều có lãi. Tuy nhiên, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do còn nhiều diện tích mía do người dân tự trồng, mua bán theo thỏa thuận qua thương lái nên chất lượng mía kém nhưng giá mua mía khá cao (1.100-1.300 đồng/kg).

Các tỉnh miền Bắc và miền Trung-Tây Nguyên, hầu hết vùng nguyên liệu do các nhà máy hỗ trợ đầu tư vật tư, giống ban đầu với lãi suất ưu đãi hoặc không tính lãi nên giá mua mía thường thấp hơn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (800-1.000 đồng/kg).

Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá vụ ép mía 2010-2011 khá thuận lợi cho cả người trồng mía và các doanh nghiệp chế biến kinh doanh đường nên các đơn vị đều có kế hoạch mở rộng diện tích cho vụ ép tới.

Tham dự hội nghị, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ nên có chủ trương mới thay thế Quyết định 246 về Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010.

Theo các doanh nghiệp, Chính phủ cần có quy hoạch đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 với diện tích nguyên liệu mở rộng hơn bởi sản phẩm từ cây mía hiện không chỉ cung cấp cho các nhà máy đường mà còn cung ứng nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như ván ép, làm nhiên liệu sinh học, điện, bánh kẹo… Ngoài ra, việc quy hoạch vùng mía nguyên liệu nên tập trung hơn để có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm bớt lao động thủ công hạ giá thành sản phẩm.

Số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích mía của cả nước niên vụ 2011-2012 có thể đạt khoảng 259,7 nghìn ha; tăng hơn vụ trước 4,2%; năng suất bình quân đạt 64,9 tấn/ha, tăng 4,4 tấn/ha; sản lượng mía ước đạt 16,8 triệu tấn mía, tăng hơn 1,8 triệu tấn./.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục