Năng suất ngô biến đổi gen ở Đắk Lắk cao gấp đôi

Kết quả khảo nghiệm trồng ngô biến đổi gen ở Đắk Lắk cho kết quả tốt, năng suất, chất lượng, độ kháng sâu hơn loại ngô trồng đối chứng.
Kết quả khảo nghiệm trồng ngô biến đổi gen ở Đắk Lắk đã cho kết quả tốt, năng suất, chất lượng và độ kháng sâu đục thân của loại cây trồng này hơn hẳn cây ngô được trồng đối chứng trong cùng một điều kiện.

Tại Hội thảo đầu bờ giới thiệu nâng cao nhận thức cộng đồng về cây ngô biến đổi gen do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dekalb Việt Nam tổ chức tại Buôn Ma Thuột ngày 16/8.

Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên đã nói, ngô là giống cây trồng biến đổi gen đầu tiên được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam.

Khảo nghiệm thành công về ngô biến đổi gen là một bước đột phá mới cho cây ngô, loại cây trồng Việt Nam mỗi năm đang phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn ngô thương phẩm, ông Báu nói.

Ở tỉnh Đắk Lắk, có khoảng 140.000 ha trồng ngô, năng suất hiện nay đạt khoảng 4-5 tấn, đây là diện tích nông sản trồng lớn thứ hai sau cây càphê khoảng 180.000 ha.

Theo thạc sỹ Đặng Bá Đàn, trưởng bộ môn cây lương thực, thực phẩm của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên và là người phụ trách khu vực trồng ngô biến đổi gen khảo nghiệm tại Đắk Lắk, với giống ngô hiện đang trồng hiện nay, ngoài việc chịu ảnh hưởng của thời tiết, năng suất thường bị giảm khoảng 20% so ảnh hưởng của sâu và cây cỏ.

Theo ông Lê Ngọc Báu, tỉnh Đắk Lắk có diện tích đất rộng, người thưa nên việc trồng cây ngô biến đổi gen có chi phí thấp do người nông dân giảm chi phí đầu thư như phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu và giảm được nhân công lao động.

“Với giống ngô trước đây khi cây ngô cao lớn, cỏ cũng lớn nhưng nếu phun thuốc triệt cỏ thì cả hai cây cùng chết nhưng với cây ngô biến đổi gen thì chỉ có cỏ chết." Vì vậy, cây ngô biến đổi gen sẽ phát huy được hết tiềm năng năng suất của giống cây đó, ông Báu nói.

Giống cây ngô biến đổi gen sẽ có giá cao hơn giống cây ngô đang trồng nếu được đưa ra thương mại. Tuy nhiên, cây ngô biến đổi gen lại có nhiều lợi ích khác do chi phí đầu tư thấp, sản lượng thu được cao hơn nên xét về tổng thể thì lợi nhuận và hiệu quả sẽ cao hơn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh của công ty Dekalb Việt nam thuộc tập đoàn Mónanto khẳng định.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 29 nước đã đưa cây biến đổi gen vào trồng thương mại và chưa có một chứng minh có cơ sở nào cho biết cây biến đổi gen gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của môi trường. Ở trên toàn thế giới có khoảng 148 triệu ha cây trồng biến đổi gen, chiếm khoảng 29% tổng sản lượng.

Hằng năm, Việt Nam phải nhập khẩu 2 triệu tấn đậu tương, 1 triệu tấn ngô, trong đó đa phần là sản phẩm của cây biến đổi gen để làm thức ăn chăn nuôi gia súc mỗi năm. Nếu cây ngô biến đổi gen được đưa vào trồng tại Việt Nam thì sẽ góp phần giải quyết được việc nhập khẩu ngô cho chăn nuôi, ông Báu nói.

Ở Việt Nam, thực hiện cây trồng biến đổi gen theo một quy trình nghiêm ngặt trên thế giới. Để đưa một sản phẩm công nghệ sinh học đến với người nông dân, cụ thể là cây ngô biến đổi gen phải trải qua rất nhiều giai đoạn nghiêm ngặt như thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, trồng khảo nghiệm trên diện hẹp, trồng khoảng nghiệm trông diện rộng tại các vùng sinh thái.

Từ năm 2006, ở Việt Nam, Chính phủ đã có chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020. "Nếu thuận lợi, nhiều khả năng vào năm 2012, Việt Nam sẽ sản xuất ngô biến đổi gen thương mại phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi,” ông Báu nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Giám đốc đối ngoại công ty Trách nhiệm hữu hạn Dekalb, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản nhưng hàng năm lượng ngô, đậu tương phải nhập khẩu rất lớn từ các nước sử dụng cây trồng biến đổi gene.

Việt Nam bắt đầu ứng dụng công nghệ gen khi thế giới đã ứng dụng rộng rãi tại 29 nước với lịch sử 15 năm trồng cây biến đổi gen rồi, vì thế chúng ta sẽ có những bước đi thận trọng và không phải bắt đầu từ đầu./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục