NATO có thể ra đòn gì trước các cuộc tấn công hỗn hợp của Nga?

NATO được đề nghị thay đổi điều khoản phòng thủ chung để đối phó Nga

Các nước thành viên Hội đồng Nghị viện NATO kêu gọi xem xét kỹ lưỡng các quỹ có nguồn gốc từ Nga và kiến nghị NATO sửa đổi Điều 5 về phòng thủ chung để đối phó các cuộc tấn công “chiến tranh hỗn hợp.”
NATO được đề nghị thay đổi điều khoản phòng thủ chung để đối phó Nga ảnh 1Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại phiên họp Hội đồng Nghị viện NATO tại thủ đô Bucharest (Romania) ngày 9/10/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/5, Nghị sỹ theo đường lối bảo thủ Anh Lord Jopling kêu gọi NATO sửa đổi Điều 5 về phòng thủ chung để đối phó với các cuộc tấn công trong cái gọi là các cuộc tấn công “chiến tranh hỗn hợp.”

Các nước NATO cáo buộc Nga đang sử dụng những phương pháp của “chiến tranh hỗn hợp,” trong đó có phá hoại, tuyên truyền, chiến tranh mạng, để làm suy yếu phương Tây mà không gây ra một sự đáp trả quân sự đầy đủ của NATO.

Trong cuộc họp của Hội đồng Nghị viện NATO tại Warsaw, Ba Lan, nhà lập pháp Anh kể trên đã đưa ra khuyến nghị rằng cần nêu rõ trong hiệp ước phòng thủ chung về việc NATO sẽ có đòn đáp trả tập thể trước các cuộc tấn công hỗn hợp.

[Tổ chức NATO lên án Nga về cây cầu mới nối với bán đảo Crimea ]

Các nhà lập pháp NATO sẽ bỏ phiếu thông qua khuyến nghị này vào phiên họp cuối của Hội đồng vào ngày 28/5.

NATO được đề nghị thay đổi điều khoản phòng thủ chung để đối phó Nga ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: sputniknews.com)

 Trước đó cùng ngày, các nước thành viên Hội đồng Nghị viện NATO kêu gọi cần xem xét kỹ lưỡng các quỹ có nguồn gốc từ Nga trong bối cảnh Moskva bị cho là đang áp dụng chiến thuật "tấn công hỗn hợp" nhằm vào phương Tây.

Trong một thông cáo, bộ phận báo chí của Hội đồng Nghị viện NATO nhấn mạnh: “Các nhà lập pháp đã thảo luận về một số biện pháp có thể áp dụng để chống lại các hoạt động hỗn hợp của Nga (nhằm vào Phương Tây), trong đó có hạn chế các vụ tấn công truyền thông xã hội ẩn danh; tăng cường giáo dục đối phó với các chiến dịch bóp méo thông tin; đẩy mạnh hợp tác tình báo; tăng cường phòng thủ mạng, đặc biệt là mạng bảo vệ hệ thống bầu cử.”

Đầu tháng Năm vừa qua, Hạ viện Anh hối thúc Nội các nước này công bố tên những công dân Nga nắm giữ tài sản tại các lãnh thổ hải ngoại của Anh như Quần đảo Cayman, Virgin.

Theo chuyên gia Anders Aslund thuộc viện nghiên cứu Hội đồng Atlantic, đầu tư tư nhân của Nga ra nước ngoài ước tính khoảng 800 tỷ USD, phần lớn tập trung ở Anh, Mỹ.

Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga hợp tác với giới chức quốc tế trong cuộc chiến chống lại việc kiếm tiền bất hợp pháp và rửa tiền, và cho rằng lập trường của Anh là “xảo quyệt.”

NATO dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vào 11-12/7 tại Brussels, với chủ đề chính là thảo luận về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và mối đe dọa ngày càng tăng đến từ Nga trong các lĩnh vực chiến tranh mạng và chiến tranh hỗn hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục