Nên tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp cho miền núi

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu, việc Chính phủ miễn thuế nông nghiệp cho đồng bào đã tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, phát triển hàng hóa vùng dân tộc và miền núi.

Vì vậy, theo ông Chu, nếu tiến hành thu thuế thì số lượng thu về cũng không lớn lắm, do vậy thời gian tới nên tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp cho miền núi.
 
Ngày 25/10, trong chương trình làm việc, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII bàn về dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Bên hành lang kỳ họp, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

- Dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp lần này có liên quan đến nhiều người, đặc biệt là nông dân. Theo ông, làm sao để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống?

Ông Giàng A Chu: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII sẽ bàn về việc ra Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp từ nay đến 2015, dự báo đến 2020. Tôi thấy đây là một chính sách đúng đắn nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà, đặc biệt là nó phù hợp với đồng bào làm nông nghiệp ở các địa phương miền núi, vùng dân tộc.

Hiện nay, Chính phủ đã miễn thuế nông nghiệp cho đồng bào. Chính vì thế đã tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, phát triển hàng hóa vùng dân tộc và miền núi.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tiến hành thu thuế thì tôi thấy số lượng cũng không lớn lắm. Việc Quốc hội bàn về việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho những người làm nghề nông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thì tôi thấy là hoàn toàn đúng đắn. Đấy là ý Đảng, lòng dân và phù hợp với tình hình thực tế.

Bởi vì các vùng khó khăn như tôi đã nói ở trên thì diện tích tự nhiên rất lớn, nhưng diện tích thực sự đưa vào sản xuất nông nghiệp thì lại ít, có địa phương chỉ chiếm 10%, có nơi chỉ từ 8-9%.

Do đó, phải có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sản xuất phát triển lên, đầu tiên là để bà con tự sản tự tiêu rồi dần tiến tới sản xuất hàng hóa.

Tôi lấy ví dụ ở vùng núi đá Hà Giang, bà con phải gùi đất cho vào hốc đá để chỉ trồng lúa nương, trồng ngô, trồng bí thì ta nên tiếp tục miễn hoàn toàn loại thuế này. Đó là những cây hàng năm, còn những loại cây lâu năm mà bà con trồng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc thì ta cũng nên miễn hẳn thuế cho bà con.

Mức thu loại thuế này trong một năm, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì cũng chỉ khoảng vài chục tỷ đồng. Con số này cũng không đáng bao nhiêu. Tôi nghĩ Nhà nước có thể có biện pháp thúc đẩy, tăng thu ở các nguồn khác để bù vào loại thuế này, giúp bà con phấn khởi thúc đẩy sản xuất.

Ở Yên Bái, nơi tôi là một đại biểu Quốc hội và là người con của đồng bào dân tộc Mông, qua những cuộc tiếp xúc cử tri, tôi thấy đây thực sự là nguyện vọng và mong muốn chính đáng của bà con, giúp bà con đang sinh sống ở nơi vùng cao xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

- Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, có ý kiến trong Ủy ban đề nghị miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích vì cho rằng số thu từ thuế này hiện không lớn (khoảng 84 tỷ đồng/năm), khó bù đắp chi phí hành thu. Việc miễn này sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy chính sách "tam nông". Vậy ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Giàng A Chu: Trong dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này có hai phần là miễn giảm 100%, phần này thì tôi tin là các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ.

Còn phần thứ hai là miễn một phần thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 50% đối với một số đối tượng, nếu nghiên cứu kỹ thì trên phạm vi cả nước là phù hợp nhưng đối với các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn thì Chính phủ nên đưa vào diện miễn 100% loại thuế này thì hợp lý hơn.

Vì hiện nay việc thu hút đầu tư để phát triển kinh tế đối với các địa phương này là khá khó khăn, nên có cơ chế tạo điều kiện, xem đó là một chính sách khuyến khích đầu tư lên miền núi.

Xin cảm ơn ông./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục