Nếu làm tổng thống Mỹ, ông Joe Biden có khôi phục trật tự quốc tế?

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ đã đặt dấu chấm hết cho trật tự quốc tế tự do.
Nếu làm tổng thống Mỹ, ông Joe Biden có khôi phục trật tự quốc tế? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí IPG, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phá hủy trật tự quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Joe Biden được bầu làm tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đi chăng nữa thì quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga và phần còn lại của thế giới cũng sẽ không thể quay trở lại như trước.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ đã đặt dấu chấm hết cho trật tự quốc tế tự do. Liệu ông Joe Biden có nên cố gắng khôi phục trật tự này nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không? Có lẽ là không, nhưng ông phải thay đổi nó.

Các nhà phê bình đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng trật tự thế giới do Mỹ thiết lập sau năm 1945 không phải là một trật tự toàn cầu, cũng không phải hoàn toàn tự do.

Đã có hơn một nửa thế giới (khối các nước xã hội chủ nghĩa và Trung Quốc) không thuộc về trật tự đó, trong đó có rất nhiều quốc gia độc tài. Vai trò lãnh đạo của Mỹ đã luôn được thể hiện. Tuy nhiên, quốc gia hùng mạnh nhất phải đi đầu trong việc sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu cho toàn cầu, nếu không, những hàng hóa này sẽ không có sẵn để có thể dễ dàng cung cấp khi có nhu cầu - và người Mỹ sẽ phải gánh chịu điều đó. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) là một ví dụ điển hình cho điều này.

Mục tiêu thực tế của chính quyền Biden tới đây (nếu ông Biden được bầu làm tổng thống Mỹ) là thành lập nhiều tổ chức quốc tế khác nhau, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau.

Mỗi tổ chức có các thành viên khác nhau, nhưng trên cơ sở tuân thủ các quy tắc mang tính nền tảng chung. Liệu Trung Quốc và Nga có đồng ý tham gia các tổ chức như vậy hay không? Trong những thập kỷ 1990 và 2000, không một quốc gia nào trong hai nước này có thể đối trọng với sức mạnh của Mỹ. Và, nước Mỹ đã bất chấp chủ quyền của các quốc gia khác để áp đặt các giá trị tự do của mình. Mỹ đã ném bom Serbia và tiến hành xâm chiếm Iraq mà không có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Năm 2005, họ cũng ủng hộ một nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về việc thiết lập "trách nhiệm bảo vệ" đối với những công dân bị chính phủ của họ đối xử tàn nhẫn - học thuyết này đã được Mỹ sử dụng vào năm 2011 khi Mỹ tiến hành ném bom Libya với lý do là để bảo vệ người dân ở Benghazi.

Các nhà phê bình gọi cách hành xử này là sự kiêu ngạo của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh. Nga và Trung Quốc cảm thấy bị lừa gạt vì sự can thiệp của NATO vào Libya đã dẫn đến sự thay đổi chế độ tại quốc gia này, trong khi những người bảo vệ phương pháp của Mỹ coi đó là một sự phát triển tự nhiên của luật nhân đạo quốc tế.

Trong mọi trường hợp, sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga đã thu hẹp giới hạn của chủ nghĩa can thiệp tự do của Mỹ.

Vậy điều gì đang diễn ra? Nga và Trung Quốc đều nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền quốc gia được quy định trong Hiến chương của Liên hợp quốc, trong đó quy định rằng các quốc gia chỉ có thể bắt đầu một cuộc chiến để tự vệ hoặc được sự đồng ý của Hội đồng Bảo an. Việc sử dụng bạo lực vũ trang để chiếm giữ lãnh thổ của một quốc gia láng giềng hiếm khi xảy ra kể từ năm 1945 đến nay.

Trường hợp một quốc gia thực hiện điều này, họ sẽ phải gánh chịu các lệnh trừng phạt ngặt nghèo (như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014).

Hội đồng Bảo an cũng chỉ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới các quốc gia gặp bất ổn chính trị; các nước cũng có thể hợp tác để hạn chế phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo. Những khuôn khổ này của một trật tự thế giới dựa trên các nền tảng chung vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế, những quy tắc này cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp. Từ rất lâu trước đại dịch COVID-19, chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc đã thiết lập một mô hình kinh tế chú trọng đến các hành vi thương mại không công bằng, làm tổn hại đến chức năng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kết quả sẽ là một sự tách rời của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là mỗi khi an ninh quốc gia của một nước bị đe dọa.

Mặc dù Trung Quốc phàn nàn khi Mỹ ngăn cản các công ty nước này, như tập đoàn Huawei chẳng hạn, xây dựng mạng viễn thông thế hệ mới (5G) ở các nước phương Tây, nhưng quan điểm của Mỹ tương đồng với nguyên tắc chủ quyền.

Thực tế, Trung Quốc cũng ngăn cản các tập đoàn của Mỹ như Google, Facebook và Twitter hoạt động tại Trung Quốc, cũng với lý do làm tổn hại tới an ninh quốc gia của nước này. Việc đàm phán để xây dựng các quy tắc thương mại mới có thể giúp ngăn chặn sự tách rời này gia tăng. Đồng thời, hợp tác trong lĩnh vực rất quan trọng là tài chính vẫn còn mạnh mẽ, bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ngược lại, sự phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực môi trường sinh thái là một trở ngại không thể vượt qua đối với nguyên tắc chủ quyền, vì các mối đe dọa môi trường sinh thái là không có biên giới. Bất kể những thất bại của toàn cầu hóa về kinh tế, toàn cầu hóa sinh thái sẽ tiếp tục diễn ra bởi vì nó tuân theo các quy luật sinh học và vật lý, không tuân theo logic địa chính trị hiện nay. Những mối đe dọa này ảnh hưởng đến tất cả các nước, không một quốc gia nào có thể một mình đối phó với chúng. Với các vấn đề như COVID-19 và biến đổi khí hậu, sẽ cần đến sức mạnh tổng hợp từ tất cả các quốc gia.

Trong bối cảnh này không thể áp đặt quyền lực lên quốc gia khác, mà phải cùng các quốc gia thực hiện quyền lực chung. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rất hữu ích cho người Mỹ cũng như người dân các nước khác.

Kể từ cuộc gặp gỡ giữa cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1972 cho tới nay, Trung Quốc và Mỹ đã không ngừng hợp tác cùng nhau bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ.

Một câu hỏi khó đối với Joe Biden sẽ là liệu Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau để cùng sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu cho toàn cầu hay không, trong khi hai nước vẫn tiếp tục cạnh tranh quyền lực trong các lĩnh vực truyền thống?

Không gian mạng là một chủ đề mới quan trọng, có tính chất xuyên biên giới nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của các quốc gia có chủ quyền. Internet đã bị phân chia rõ ràng. Thực tế thì các chuẩn mực liên quan đến tự do ngôn luận và bảo vệ dữ liệu chỉ được thiết lập trong một nhóm các quốc dân chủ, còn ở các nước độc tài thì điều này không được tuân thủ.

[Giới chuyên gia: Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới]

Theo báo cáo của Ủy ban toàn cầu về sự ổn định của không gian mạng, một số quy tắc cấm những hành vi thao túng không gian mạng cũng mang lại lợi ích cho các chế độ độc tài. Tuy nhiên, nếu họ sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để tiến hành một cuộc chiến thông tin hoặc can thiệp vào các cuộc bầu cử (làm tổn hại nguyên tắc chủ quyền của quốc gia), các quy tắc chuẩn mực này sẽ cần phải được thiết lập một cách mạnh mẽ hơn.

Chẳng hạn như trong cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, mặc dù hai nước có sự khác biệt về ý thức hệ nhưng đã tích cực đàm phán cùng nhau để hạn chế sự leo thang của các sự cố trên biển. Mỹ và các quốc gia có cùng quan điểm sẽ phải công bố các quy chuẩn mà họ sẽ tuân thủ và việc răn đe các đối thủ cũng sẽ là cần thiết (để buộc họ phải thực hiện theo các quy chuẩn đó).

Việc nhấn mạnh các giá trị tự do trên không gian mạng không có nghĩa là chỉ mình phía Mỹ phải tuân thủ. Thay vào đó, Mỹ nên phân biệt giữa sức mạnh mềm từ các cuộc đàm phán và sức mạnh cứng từ cuộc chiến bí mật trên không gian mạng mà họ sẽ đáp trả. Các kênh và chương trình phát sóng của Nga và Trung Quốc sẽ được phép hoạt động, nhưng không được có những hành vi mờ ám, gây nguy hại cho Mỹ như hành vi thao túng phương tiện truyền thông xã hội. Mỹ cũng sẽ tiếp tục chỉ trích các hồ sơ nhân quyền của các quốc gia này.

Các cuộc khảo sát cho thấy công chúng Mỹ muốn tránh việc quân đội nước này thực hiện các hành động quân sự ở ngoài lãnh thổ, nhưng không muốn Mỹ rút khỏi các liên minh hoặc các cơ chế hợp tác đa phương. Người Mỹ vẫn luôn quan tâm tới các giá trị chung.

Nếu ông Biden được bầu, câu hỏi đặt ra cho ông sẽ không phải là liệu ông có khôi phục trật tự quốc tế tự do hay không, mà là liệu Mỹ có thành công trong việc hợp tác với các đồng minh thân thiết để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền hay không, đồng thời có hợp tác quốc tế rộng rãi để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tấn công mạng, khủng bố hay bất ổn kinh tế không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục