Nga đánh giá khả năng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Dự kiến vào ngày 15/5 tới, hai nước Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định về việc có nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không.
Nga đánh giá khả năng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO ảnh 1Cờ NATO. (Nguồn: Chinadaily)

Hãng RIA đưa tin ngày 13/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận với Hội đồng An ninh Liên bang Nga về khả năng Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, hai nước Phần Lan và Thụy Điển đã cân nhắc các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia, bao gồm cả ý định gia nhập NATO.

Ngày 12/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết nước này sẽ “không trì hoãn” việc nộp đơn xin gia nhập NATO, đánh dấu bước chuyển đổi chính sách quan trọng của quốc gia vốn theo đường lối trung lập này.

Nga cho rằng việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO sẽ gây ra mối đe đối với an ninh quốc gia của Moskva và cảnh báo sẽ đáp trả.

Dự kiến vào ngày 15/5 tới, Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định về việc có nộp đơn gia nhập liên minh quân sự này hay không.

[Phần Lan khẳng định 'không trì hoãn' nộp đơn xin gia nhập NATO]

Cùng ngày 13/5, các Ngoại trưởng của Thụy Điển và Phần Lan cho biết họ mong đợi có cuộc thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Berlin (Đức) trong ngày 14/5 để thảo luận về khả năng hai nước Bắc Âu nộp đơn gia nhập NATO.

Cụ thể, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết bà sẽ có cơ hội thảo luận về khả năng Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại một hội nghị của khối quân sự này ở Berlin.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto bày tỏ hy vọng tiếp tục thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.

Các phát biểu của những quan chức ngoại giao hàng đầu của Thụy Điển và Phần Lan được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng ngày tuyên bố Ankara không có “quan điểm tích cực” về việc Phần Lan và Thụy Điển có thể trở thành thành viên của NATO.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên của NATO, viện dẫn lý do rằng hai quốc gia Bắc Âu này là nơi ẩn náu của các tổ chức khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã cáo buộc các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển - nơi có một lượng lớn người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư, “chứa chấp” các lực lượng người Kurd cực đoan cũng như những người ủng hộ giáo sỹ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục