Thúc đẩy phê chuẩn

Nga, Mỹ nhất trí đẩy nhanh thông qua START mới

Ngày 18/5, Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga để đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn về Hiệp ước START mới.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 18/5 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới.

Quan chức ngoại giao hai nước nhất trí cho rằng cần đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn văn kiện này.

Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, hai ngoại trưởng đã xác nhận quan điểm hoàn tất quá trình phê chuẩn START mới trong thời gian sớm nhất có thể.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã thúc giục Thượng viện phê chuẩn văn kiện này nhằm tăng cường an ninh và sự tín nhiệm về ngoại giao của Mỹ mà không làm tổn hại tới chiến lược phòng thủ tên lửa của nước này.

Phát biểu tại phiên điều trần vào ngày 18/5 trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu rõ các nghị sĩ đang đứng trước sự lựa chọn giữa hiệp ước này và không có hiệp ước nào chi phối mối quan hệ về an ninh hạt nhân với Nga, giữa hiệp ước này với không có cơ chế nào được thỏa thuận giữa hai nước liên quan tới việc kiểm tra các lực lượng năng lượng chiến lược của Nga.

Bà cũng nhấn mạnh sự lựa chọn còn được đặt ra giữa START mới và không có nghĩa vụ pháp lý nào đối với Nga trong việc duy trì các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga ở dưới mức thỏa thuận.

Ngoại trưởng Hillary Clinton thuyết phục các thượng nghị sĩ không nên bác hiệp định mới vì văn kiện này sẽ giúp xây dựng sự hiểu biết giữa Nga và Mỹ, đặc biệt liên quan tới Iran. Thêm vào đó, bà nhấn mạnh nói "không" với hiệp ước mới đồng nghĩa với việc vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ bị suy yếu.

Tham gia cuộc điều trần trên còn có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Đô đốc Michael Mullen.

Ông Gates khẳng định hiệp ước mới sẽ tăng cường tính minh bạch, tính dự đoán, sự ổn định chiến lược và sự tiếp cận đối với vũ khí và cơ sở vũ khí của Nga.

Trong những ngày qua, tại Thượng viện Mỹ đã diễn ra chiến dịch vận động để START mới sớm được phê chuẩn. Để được Thượng viện phê chuẩn, START mới cần nhận được phiếu ủng hộ của ít nhất 67/100 thượng nghị sĩ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá hiệp ước mới là "thỏa thuận về kiểm soát vũ khí một cách toàn diện nhất trong gần hai thập kỷ qua" và một số quan chức của chính quyền cho rằng văn kiện này không chỉ mở đường cho việc phát triển hợp tác với Nga mà còn khuyến khích các nước không có hạt nhân cam kết không theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa bày tỏ nghi ngờ về hiệp ước này.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell nói rằng Thượng viện sẽ đánh giá xem liệu hiệp ước có làm giảm khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ đất nước và các đồng minh không bị mối đe dọa về tên lửa có vũ trang hạt nhân hay không cũng như xem xét liệu chính quyền có cam kết bảo vệ khả năng hạt nhân của Mỹ hay không.

Hiệp ước mới do Tổng thống của Mỹ và Nga ký ngày 8/4 vừa qua nhằm thay cho hiệp ước đã hết hạn hồi tháng 12/2009.

Theo START mới, số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên sẽ giảm hơn 30% so với Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược ký tại Mátxcơva (Nga) đầu năm 2002, từ 2.200 xuống còn 1.550 đầu đạn.

START mới có hiệu lực 10 năm kể từ ngày Quốc hội hai nước phê chuẩn và có thể gia hạn mỗi lần 5 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục