Cơ quan Khí tượng Nga cho biết các trạm quan sát tại tỉnh Chelyabinsk đã ghi nhận có tích tụ đồng vị phóng xạ ruthenium-106 (Ru-106) tại khu vực phía Nam Urals vào thời điểm cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua.
Theo Cơ quan Khí tượng Nga, từ ngày 25/9-1/10, tất cả các trạm quan sát ở phía Nam Urals đều phát hiện nồng độ phóng xạ vượt quá mức cho phép. Cụ thể, trạm Argayash đã ghi nhận nồng độ Ru-106 tăng 986 lần so với tháng trước đó và tại trạm Novogorny là 440 lần. Các tỷ lệ này đều được coi là mức ô nhiễm phóng xạ "cực cao."
Chất Ru-106 cũng được ghi nhận tại Cộng hòa Tatarstan hôm 26-27/9 vừa qua, và tại thành phố Volgograd và Rostov bên sông Đông hôm 27-28/9.
Cơ quan Khí tượng Nga cũng cho rằng các phân tử phóng xạ từ phía Nam Urals có thể đã bay sang châu Âu hồi cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua.
[Ukraine không còn nhà kho để chứa chất thải phóng xạ]
Hôm 9/11, Viện Chống phóng xạ và An toàn hạt nhân (IRSN) của Pháp cho biết đã phát hiện chất Ru-106 tại nước này từ ngày 27/9-13/10. Trong khi đó, Cơ quan chống phóng xạ liên bang Đức (BfS) cũng thông báo ghi nhận nồng độ Ru-106 cao trong không khí từ ngày 29/9-13/10. Mặc dù vậy, cả Pháp và Đức đều cho rằng mức phóng xạ phát hiện ở các nước này không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Theo các chuyên gia Đức, sự phát tán Ru-106 trong không khí không phải xuất phát từ sự cố ở một cơ sở nguyên tử mà có thể do khí thải của một trong những nhà máy ở phía Nam Urals. Ngoài ra, tại Italy, Romania, Ukraine và Slovenia cũng ghi nhận có nồng độ Ru-106 cao.
Tuy nhiên, giới chức vùng Chelyabinsk ngày 20/10 đã bác bỏ giả thuyết của các chuyên gia châu Âu cho rằng nguồn phát thải chất Ru-106 là từ các nhà máy ở Nga. Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga Rosatom cũng tuyên bố mức độ bức xạ xung quanh các cơ sở hạt nhân của Nga đều ở mức tiêu chuẩn.
Ru-106 là chất được dùng trong phương pháp trị xạ khối u ở mắt và đôi khi có trong máy phát nhiệt đồng vị phóng xạ cung cấp năng lượng cho các vệ tinh./.