Nhật Bản phát triển thiết bị có khả năng dò tìm vật liệu hạt nhân

Cơ quan Năng lượng Hạt nhân của Nhật Bản đã phát triển thiết bị có khả năng phát hiện ra những vật liệu hạt nhân trong quá trình kiểm tra hành lý tại sân bay.
Nhật Bản phát triển thiết bị có khả năng dò tìm vật liệu hạt nhân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Cơ quan Năng lượng Hạt nhân của Nhật Bản đã phát triển một thiết bị có khả năng phát hiện ra những vật liệu hạt nhân trong quá trình kiểm tra hành lý tại sân bay, coi đây như biện pháp tăng cường an ninh nhằm chống nguy cơ khủng bố hạt nhân có thể xảy ra.

Theo ông Mitsuru Uesaka, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân của Nhật Bản, đồng thời là Giáo sư thuộc trường Đại học Tokyo, trong bối cảnh Nhật Bản đăng cai và đang chuẩn bị cho các sự kiện thể thao Olympics và Paralympics ở Tokyo năm 2020, việc tăng cường an ninh hạt nhân là đặc biệt quan trọng và cần thiết, bởi từ lâu đã có nhiều dấu hiệu về những đường dây buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân.

Trong khi đó, hiện có những lo ngại về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể chế tạo "bom bẩn," khi nổ có khả năng phát tán ra những vật liệu phóng xạ. Không giống với vũ khí hạt nhân thông thường, những thiết bị nổ kiểu này có thể được sản xuất với chi phí khá rẻ mà không cần kỹ thuật cao.

Để ngăn chặn những vật liệu hạt nhân có thể thâm nhập vào Nhật Bản thông qua đường hàng không, Cơ quan Năng lượng Hạt nhân đã phát triển thiết bị - gọi là tia neutrons - có thể dò tìm ra một lượng uranium dù là rất nhỏ giấu trong hành lý trong vòng chưa đến một giây.


[IAEA: Thế giới cần cảnh giác với nguy cơ khủng bố hạt nhân]

Theo ông Yosuke To, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc cơ quan trên, máy quét hành lý tại các sân bay trước đây thường sử dụng tia X, chỉ có thể phát hiện ra những vật nghi ngờ bằng kim loại, chứ không hiệu quả trong việc phát hiện những vật liệu hạt nhân.

Hiện Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Nhật Bản cũng đang phát triển thiết bị dò tìm thông qua việc phân tích "dấu vết hạt nhân" như những phân tử và thành phần đồng vị của những vật liệu được cất giấu ở những địa điểm liên quan đến việc chế tạo năng lượng hạt nhân.

Những nỗ lực này của Nhật Bản nhằm xác định chính xác nguồn gốc và lộ trình vận chuyển vật liệu phóng xạ và hạt nhân.

Theo Cơ quan Năng lượng Hạt nhân quốc tế, tính đến cuối năm 2015, đã có tổng số 454 vụ sở hữu hạt nhân trái phép trên toàn thế giới bị phát hiện và tất cả những trường hợp này đều liên quan đến hoạt động tội phạm; 762 vụ liên quan đến đánh cắp vật liệu hạt nhân và 1.622 vụ liên quan đến những hoạt động bất hợp pháp khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục