Nga sẽ chấp nhận đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về chia sẻ dầu mỏ ở Syria?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông mời Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng quản lý các mỏ dầu tại tỉnh Deir ez-Zor của Syria, thay vì để Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) quản lý.

Tờ Al-Monitor mới đây đăng bài viết "Liệu Nga có chấp nhận đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về chia sẻ dầu mỏ tại Syria hay không."

Nội dung bài viết như sau:

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông mời Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng quản lý các mỏ dầu tại tỉnh Deir ez-Zor của Syria, thay vì để Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) quản lý.

SDF bao gồm chủ yếu là người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn đang quản lý các mỏ dầu này.

Tổng thống Erdogan hôm 10/3 vừa qua nói: "Tôi đã đưa ra đề xuất với ông Putin rằng nếu ông ấy cung cấp tài chính, chúng tôi có thể thực hiện việc xây dựng và khai thác các mỏ dầu đã giành lại được quyền kiểm soát, chúng tôi có thể giúp phục hồi Syria đã bị phá hủy trong chiến tran."

Tổng thống Erdogan tiết lộ lãnh đạo Nga đang cân nhắc đề xuất này. Đề xuất này được một phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong cuộc gặp gần đây tại Moskva.

Ông Erdogan nói rằng đề xuất tương tự cũng đã được nêu ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Thay vì các phần tử khủng bố hưởng lợi tại đó, chúng ta có cơ hội để tái thiết Syria từ nguồn thu từ dầu mỏ," ông Erdogan nói thêm.

Phát biểu của ông Erdogan có thể chỉ ra rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong hội nghị gần đây tại Moskva đã đồng ý không chỉ "đóng băng" xung đột tại Idlib và tiến hành tuần tra chung Nga-Thổ dọc theo cao tốc M4 mà còn tiếp tục hành động chung tại miền Đông Syria để buộc người Kurd và các bộ tộc địa phương chấp nhận thỏa hiệp với Nga và Damascus.

Hiện chưa rõ bao nhiêu bên có thể tạo ra cân bằng tại phía Đông Syria. Ankara có lý do để nghi ngờ rằng một khi lộ trình giữa Chính quyền Bashar al-Assad và người Kurd được cả hai bên thông qua thì người Kurd có thể tìm cách để gạt Thổ Nhĩ Kỳ sang một bên với sự hỗ trợ của Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, một thỏa thuận tại Tây Bắc Syria hướng tới hợp tác trong tương lai sẽ tốt hơn thỏa thuận Sochi 2.0 bổ sung, vốn chủ yếu nhằm trì hoãn gia tăng căng thẳng nhưng không ngăn chặn kịch bản Damascus muốn tiến hành: Tận dụng giữa các lệnh ngừng bắn và phản công để chiếm lại càng nhiều lãnh thổ càng tốt tại tỉnh Idlib và làm suy yếu phe đối lập.

Chuyên gia phân tích tại Moskva Alexey Malashenko nhận định: "Khi ông Erdogan có mặt tại Moskva để gặp Tổng thống Putin, ông ấy nói rằng mặc dù bất đồng về Idlib nhưng quan hệ giữa hai nước là quan hệ đối tác và không để mất đi mối quan hệ này.

[Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực thi thỏa thuận tuần tra chung ở Idlib]

Từ quan điểm này, đề xuất của ông về phát triển chung các mỏ dầu là mang tính chất biểu tượng. Khó một bên nào có thể kiếm lời từ các mỏ dầu này. Ý tưởng về hợp tác bất chấp yếu tố kinh tế là một khởi điểm tốt để can dự tích cực tại Syria."

Cùng thời điểm đó, phát biểu của ông Erdogan là một hình thức mà tất cả các nhà chính trị khác đều sử dụng, khác xa với các tính toán trên thực tế. Chúng ta có thể xét đến một số cách thức xuất khẩu dầu thô từ các giếng đầu đang được khai thác song do SDF quản lý.

Đầu tiên là cung cấp cho Chính quyền Assad. Sau khi SDF chiếm giữ các mỏ dầu này từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lính đánh thuê Nga và dân quân ủng hộ Iran nhận ra rằng không khả thi nếu đẩy lùi SDF bằng quân sự.

Vì vậy, tập đoàn Katerji ở Syria (có vốn đầu tư vào khai thác dầu mỏ ở Syria) đã chuyển hướng từ các nỗ lực trung gian từ thương mại dầu thô giữa Damascus và IS sang thương mại giữa Damascus và SDF, vốn dẫn tới Mỹ áp đặt trừng phạt.

Thứ hai là cung cấp dầu thô cho lực lượng đối lập Syria bên trong khu vực vùng đệm của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd đã ngăn chặn quá trình này vì sự đối đầu, nhưng dường như các hoạt động này đã được nối lại.

Thứ ba là xuất khẩu thông qua lực lượng người Kurd của Iraq. Mỹ đã xây dựng một cây cầu mới nối biên giới Syria-Iraq để vận chuyển hàng hóa.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã sử dụng hình ảnh vệ tinh cáo buộc Mỹ buôn lậu nguyên liệu thô và kiếm hơn 30 triệu USD/ ngày bằng buôn lậu dầu qua hai nước này.

Quân đội Nga cho rằng những nguồn tiền này đang được tích trữ trong các tài khoản của các cơ quan đặc biệt nước ngoài và các nhà thầu quân sự tư nhân.

Mặc dù vẫn chưa rõ liệu Mỹ nhận được gì từ các vụ buôn bán này, song điều quan trọng cần lưu ý là dầu mỏ đang được xuất khẩu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Một cách tình cờ, các tướng lính Nga và thậm chí bản thân ông Putin đã công khai lên tiếng và nêu chi tiết về điều này sau vụ một máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự Nga tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hồi tháng 11/2015.

Gần đây, Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Nga công khai trích những hành động của Mỹ nhằm kiểm soát các mỏ dầu tại miền Đông Syria, không chú ý đến sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong cơ chế bán năng lượng.

Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Tổng thống al-Assad và ông Bashar Jaafari, đại diện Syria tại Liên hợp quốc, khỏi việc công khai nói về việc Mỹ bán dầu mỏ "ăn cắp" của Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga sẽ chấp nhận đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về chia sẻ dầu mỏ ở Syria? ảnh 1Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nguồn tin của Al-Monitor tại miền Bắc Syria, lợi nhuận này đã giúp SDF "trang trải được cuộc sống của họ."

Người Thổ cũng làm việc với SDF và họ sẵn sàng để người Kurd hợp tác với Damascus cũng như sẵn sàng trước hiện diện lâu dài của Mỹ, mặc dù giới tinh hoa Mỹ có cách tiếp cận khác đối với chính sách Syria hiện nay.

Al-Monitor đã đưa tin về một tuyến đường vận chuyển dầu khác-tới Israel. Mặc dù doanh nhân Mỹ gốc Israel Moti Kahana phủ nhận sự hỗ trợ của Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) trong việc bán dầu thô cho Israel, song nhà nước Do Thái này lại ngày càng quan tâm việc hỗ trợ người Kurd ở Syria chống lại ảnh hưởng của Iran, trong khi bản thân Iran cần miền Đông Syria để hình thành tuyến đường không bị ngăn chặn nhằm cung cấp hậu cần cho các lực lượng ủy nhiệm của họ tại Syria và Liban. Điều này lý giải phần nào vì sao Iran đã tăng cường quan hệ với đảng Công nhân người Kurd trong những năm gần đây.

Như chuyên gia Malashenko đã chỉ ra, sự giàu có về dầu mỏ của Syria thường bị thổi phồng. Rõ ràng là Nga muốn Damas kiểm soát các mỏ dầu chính để đạt được một mức độ ổn định nào đó nhưng sản lượng tại Syria sẽ giảm dần, một quá trình bắt đầu từ trước khi Mùa xuân Arab xảy ra.

Thậm chí, nếu chúng ta tính đến nguồn tiền thu được hàng tháng là 30 triệu USD như Bộ Quốc phòng Nga đã đề cập, thì con số này không bõ bèn gì từ góc độ của thương mại năng lượng thế giới. Tất cả các bên liên quan đến hoạt động xuất khẩu dầu ở Syria chỉ có thể nhằm giải quyết một số nhiệm vụ chiến thuật.

Trong trung hạn, Moskva có thể cố gắng trở thành một bên ủng hộ người Kurd. Moskva có thể trao cho các đơn vị SDF cơ hội tham gia một cấu trúc như Quân đoàn thứ 5 (lực lượng hoạt động dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng Nga) với các điều khoản hấp dẫn.

Điều này có thể đóng vai trò như là một sự răn đe đối với các đơn vị của Iran và giúp tái khởi động đối thoại với phương Tây và các nước vùng Vịnh, vốn có lợi cho Syria.

Tuy nhiên, có một lựa chọn khác là tìm cách san lấp khoảng trống chính quyền tại phía Đông sông Euphrates với sự giúp đỡ của các đơn vị trung thành với Iran nằm bên trong quân đội Syria.

Điều này lý giải tại sao Damascus và Tehran sẽ gây sức ép để Moskva lựa chọn giải pháp này. Một kịch bản như vậy là thuận lợi cho các đồng minh chiến thuận của Nga gồm Iran và Syria, nhưng vì nhân tố Israel, lựa chọn này có thể dẫn đến đối đầu.

Ngoài ra, về mặt nguyên tắc, Mỹ có khả năng cải cách cấu trúc của SDF bằng việc tạo ra một cấu trúc mới chỉ dựa vào các bộ tộc địa phương và có thể được hỗ trợ bởi các tổ chức phi chính phủ của Mỹ và nguồn thu từ việc bán dầu thô của Syria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục