Nga tin tưởng vào giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc tuyên bố việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể thông qua các dự thảo nghị quyết về Aleppo của Syria không có nghĩa là các nỗ lực ngoại giao đã chấm dứt.
Nga tin tưởng vào giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria ảnh 1Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin bỏ phiếu phủ quyết Nghị quyết của Pháp về vấn đề Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, ông Vitaly Churkin ngày 9/10 tuyên bố việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể thông qua các dự thảo nghị quyết về Aleppo của Syria không có nghĩa là các nỗ lực ngoại giao đã chấm dứt.

Tuyên bố được nhà ngoại giao Nga đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác bỏ hai dự thảo nghị quyết liên quan tới tình hình tại thành phố Aleppo của Syria, trong đó có dự thảo do Nga đệ trình.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Churkin cho rằng phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa diễn ra là một cuộc họp hết sức “kỳ lạ.” Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao vẫn chưa kết thúc. Theo ông, các nỗ lực đa phương và song phương vẫn đang được tiếp tục, đồng thời bày tỏ hi vọng tình hình tại Syria sẽ sớm được ổn định.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lần lượt tiến hành hai cuộc bỏ phiếu và đều bác bỏ hai dự thảo nghị quyết do Pháp và Nga soạn thảo liên quan tới Syria.

Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Pháp đệ trình. Dự thảo này đề nghị ngay lập tức chấm dứt các cuộc không kích và các chuyến bay quân sự trên vùng trời thành phố Aleppo của Syria, đồng thời kêu gọi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo đến được với mọi vùng của Syria.

Nga đã bày tỏ quan điểm không đồng ý với dự thảo do có một số điểm mà Moskva cho là không thể chấp nhận được vì đã chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo.

Sau đó đến lượt dự thảo nghị quyết của Nga, trong đó hối thúc lệnh ngừng bắn, song không đề cập đến việc chấm dứt chiến dịch không kích, cũng thất bại do có chín phiếu chống, trong đó có ba phiếu phủ quyết của Anh, Pháp và Mỹ.

  

Để một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua, cần có ít nhất chín phiếu thuận và không được có phiếu phủ quyết nào. Các quốc gia nắm trong tay lá phiếu phủ quyết bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục