Nga-Trung tăng cường quan hệ đối tác chiến lược

Mátxcơva và Bắc Kinh ủng hộ thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao và mọi cấp giữa hai nước, đồng thời tiếp tục củng cố sự tin cậy lẫn nhau.
Trang web của Bộ Ngoại giao Nga chiều 3/6 đăng bài của Ngoại trưởng Sergei Lavrov về chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong hai ngày 5-6/6 của tân Tổng thống Vladimir Putin, khẳng định Nga và Trung Quốc đều chủ trương tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Mátxcơva và Bắc Kinh đều ủng hộ thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao và mọi cấp giữa hai nước, tiếp tục củng cố sự tin cậy lẫn nhau, ủng hộ nhau trong các vấn đề bảo vệ chủ quyền, khối đoàn kết quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của hai nước.

Hai bên quyết tâm nâng kim ngạch trao đổi hàng hóa hiện ở mức hơn 80 tỷ USD/năm, lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.

Hai bên cũng chủ trương thúc đẩy đầu tư và phát triển hợp tác đồng bộ trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học-kỹ thuật, phát minh-sáng chế và trên trường quốc tế.

Ngoại trưởng Lavrov thông báo, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Putin, hai bên sẽ ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược tin cậy và toàn diện Nga-Trung, đồng thời ký 17 văn kiện hợp tác về năng lượng, công nghiệp và phát minh-sáng chế.

Tổng thống Putin sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và các nhà lãnh đạo khác về một loạt vấn đề quốc tế cấp bách.

Các vấn đề đó là triển vọng phối hợp hành động Nga-Trung trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC), Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), trao đổi ý kiến về tình hình bán đảo Triều Tiên và Trung Đông cũng như chương trình hạt nhân của Iran.

Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ, trong các vấn đề quốc tế, Nga và Trung Quốc đều ủng hộ việc thiết lập mô hình quan hệ quốc tế đa cực và thành lập một hệ thống kinh tế-chính trị thế giới công bằng và dân chủ hơn, trên cơ sở tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách.

Hai nước đều phản đối chính sách mở rộng các liên minh quân sự, triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên cơ sở khối quân sự và mọi mưu toan nhằm bảo đảm an ninh của một số nước mà đi ngược lại lợi ích của các nước khác.

Sau khi thăm Trung Quốc, Tổng thống Putin sẽ dự cuộc gặp thượng đỉnh SCO tại Bắc Kinh trong hai ngày 6-7/6 tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục