Đến năm 2016, Ngân hàng dữ liệu chuyên gia sẽ được mở rộng lên đến 1.000 chuyên gia phục vụ công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Thông tin này được Giám đốc Trung tâm thông tin tổ chức phi Chính phủ (NGO-IC) Đỗ Thị Vân cung cấp tại Hội thảo "Các giải pháp nhằm kết nối Ngân hàng dữ liệu chuyên gia với các cơ quan hoạch định chính sách và đối tác" do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) tổ chức sáng 30/6.
Ngân hàng dữ liệu chuyên gia đến thời điểm này đã có phần mềm cập nhật dữ liệu chuyên gia, có hơn 20 tổ chức hội cung cấp 116 chuyên gia gửi phiếu đăng ký.
Tuy nhiên, để "dùng" được các chuyên gia có hiệu quả thì nhiều yêu cầu được đặt ra.
Tiến sỹ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng người sử dụng phải đủ năng lực phân tích, tổng hợp để chắt lọc các đề xuất, đủ bản lĩnh để thay đổi thậm chí phủ định các kết quả của tập thể, của chính mình, trên hết phải có mục tiêu và động cơ trong sáng, không lấy việc sử dụng chuyên gia như một thứ hình thức để tuyên truyền, "ban ơn" hoặc minh họa cho các quyết định, có chế độ trao đổi, phản hồi một cách rõ ràng, chắt lọc các đóng góp của chuyên gia để hoàn thiện các đề án.
Trường hợp lấy ý kiến tập thể hoặc nhóm chuyên gia nên sử dụng một số phương pháp như gán trọng số cho các ý kiến, lập danh mục ý kiến khác biệt...
Theo tiến sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp Hội không chỉ tạo ra Ngân hàng dữ liệu chuyên gia mà còn phải làm được vai trò người môi giới với các cơ quan hoạch định chính sách, các đối tác trong và ngoài nước để Ngân hàng này thực sự đi vào cuộc sống. Muốn vậy quan trọng phải đổi mới tư duy, không thể theo kiểu cũ cứ có dự án thì làm, mà phải vận hành Ngân hàng này theo hướng dịch vụ trong cơ chế thị trường. Điều này đòi hỏi một thiết kế hệ thống mới trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của các đối tác để xây dựng "tiêu chuẩn" chuyên gia, định vị chuyên gia theo nhu cầu khách hàng.
Theo các chuyên gia để có Ngân hàng dữ liệu chuyên gia chất lượng, NGO-IC và Liên hiệp Hội nên tạo Ngân hàng theo loại hình vấn đề thị trường cần, tiếp tục mở rộng lượng chuyên gia đăng ký, chú ý đến người trẻ được đào tạo và có từ 5 năm kinh nghiệm; hoàn thiện phiếu đăng ký với tiêu chí cụ thể hơn để xác định đúng hơn lĩnh vực và kinh nghiệm của từng chuyên gia, tính đến khả năng tự đăng ký trên mạng Internet, có chế độ phản hồi, đánh giá từ người sử dụng trong từng dự án cụ thể với các chuyên gia được lựa chọn.
Trước hết, Liên hiệp Hội cần sử dụng các chuyên gia này và thực sự phải coi đây là công cụ đặc biệt quan trọng để phát huy trí tuệ và tâm huyết của các chuyên gia khoa học và công nghệ của đất nước./.