Ngân hàng HSBC: Việt Nam đang lấy lại 'hào quang chiến thắng'

Theo HSBC, bất chấp gián đoạn cục bộ do đại dịch, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI ổn định từ các "ông lớn" trong ngành công nghệ, cả các tập đoàn quen thuộc lẫn nhà đầu tư mới.
Ngân hàng HSBC: Việt Nam đang lấy lại 'hào quang chiến thắng' ảnh 1Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Báo cáo “Vietnam at a glance” tháng Năm với tựa đề “Lấy lại hào quang chiến thắng,” được Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố ngày 13/5 đã đưa ra nhận định động lực bên ngoài của Việt Nam tiếp tục tỏa sáng nhờ ngành hàng điện tử bùng nổ và các dòng vốn FDI ổn định. Mặc dù vậy, chuyên gia HSBC lưu ý Việt Nam vẫn cần cảnh giác khi nhu cầu thế giới có sự dịch chuyển và gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu.

Xuất khẩu và dòng vốn FDI mạnh mẽ trở lại

Theo HSBC, kể từ khi mở cửa trở lại, động lực bên ngoài của Việt Nam đã hừng hực khí thế. Xuất khẩu trong tháng Tư tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ nhờ xuất khẩu điện tử nở rộ. Sau khi ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ 13% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng Tư lại tăng hơn gấp đôi và lên 25% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tăng trưởng diễn ra toàn diện trên mọi ngành hàng, gần 40% tăng trưởng là nhờ các đơn hàng điện tử tăng mạnh ở mức 33% so với cùng kỳ năm trước.

Với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị thấp, qua thời gian, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ. Xuất khẩu điện tử đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD trong năm 2021, tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số này năm 2000 đạt chưa tới 1 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng tổng kim ngạch xuất khẩu.

[Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU tăng mạnh nhờ Hiệp định EVFTA]

Bên cạnh đó, theo chuyên gia HSBC, phần lớn thành công của ngành hàng công nghệ là nhờ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm của Samsung với giá trị đầu tư rót vào Việt Nam trong hai thập kỷ qua rơi vào khoảng 18 tỷ USD. Samsung hiện có 6 nhà máy và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó bao gồm 2 nhà máy sản xuất điện thoại ở miền Bắc là nơi cung ứng một nửa sản lượng điện thoại của Samsung. Nhờ vậy, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng đáng kể.

Ngoài điện thoại thông minh Samsung, thị phần máy tính xách tay của Việt Nam trên thế giới cũng đang dần tăng lên, vượt Malaysia để trở thành nước sản xuất chính ở khu vực ASEAN.

Trong khi đó, Việt Nam cũng vươn lên thành nước cung cấp bộ vi xử lý/điều khiển (mặc dù sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam thường là bộ vi xử lý giá trị thấp hơn dùng trong nhiều mặt hàng điện tử). Kết quả này được hậu thuẫn bởi khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD của Intel vào một cơ sở lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam từ năm 2006.

Điểm đáng lưu ý chính là hiệu ứng dây chuyền xảy ra khi thành công của Samsung và Intel kéo theo các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác cũng đẩy nhanh quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Không chỉ những nhà đầu tư quen thuộc như Samsung tiếp tục rót thêm vốn đầu tư mà 3 hãng lắp ráp sản phẩm Apple là Foxconn, Luxshare và Goertek đã công bố kế hoạch đầu tư lớn để gia tăng công suất và tăng cường sử dụng nhân công địa phương.

Ngân hàng HSBC: Việt Nam đang lấy lại 'hào quang chiến thắng' ảnh 2Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng Tư, được hậu thuẫn nhờ các đơn hàng điện tử. (Nguồn: HSBC)

“Có thể thấy Việt Nam đã vươn mình, lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất công nghệ của thế giới, giành thêm nhiều thị phần trong mảng xuất khẩu điện thoại và bộ vi xử lý. Bất chấp gián đoạn cục bộ do đại dịch, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI ổn định từ các ông lớn trong ngành công nghệ, cả các tập đoàn quen thuộc lẫn nhà đầu tư mới,” chuyên gia HSBC nhận định.

Mặc dù vậy, chuyên gia HSBC lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên làm dấy lên nỗi băn khoăn về xuất khẩu của Việt Nam. "Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam đang rất tốt, kết quả rực rỡ này lại nhắc chúng ta không quên nền sản xuất của Việt Nam có độ phụ thuộc rất cao vào nhập khẩu nguyên liệu," báo cáo của HSBC nhấn mạnh. 

Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%). Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ gây ra khó khăn cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.

Duy trì tinh thần lạc quan

Bên cạnh xuất khẩu, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa diện rộng. Tháng Tư chứng kiến một số lượng lớn khách du lịch trở lại Việt Nam trong khi tiêu dùng của hộ gia đình tiếp tục phục hồi.

Kể từ khi chính thức mở cửa biên giới từ 15/3, Việt Nam đón hơn 100.000 khách du lịch trong tháng Tư, cao gấp 3 lần so với tháng Ba.

Mặc dù đây là một bước tiến tích cực nhưng việc thiếu vắng khách Trung Quốc cũng đã làm suy giảm nguồn thu, trong khi đó sự cạnh tranh ở khu vực ASEAN lại quá khốc liệt. Sau khi cả khu vực mở cửa trên diện rộng, các nước như Singapore và Thái Lan đã quyết tâm giảm nhẹ thủ tục đi lại, du lịch bằng cách miễn hẳn yêu cầu xét nghiệm.

Ngân hàng HSBC: Việt Nam đang lấy lại 'hào quang chiến thắng' ảnh 3Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng đáng kể trong tháng Tư. (Nguồn: HSBC)

Ngoài du lịch, nhu cầu nội địa cũng ở thế vững vàng nhờ chính quyền gỡ bỏ bớt các hạn chế phòng chống dịch trong nước. Sau một đợt giảm nhẹ trong quý 1/2022, khả năng đi lại của người dân đã vượt mức trước đại dịch kể từ đầu tháng Tư. Sự cải thiện này rõ ràng đã góp phần phục hồi ngành bán lẻ, giúp ngành này tăng 5,8% trong tháng Tư.

Không chỉ doanh số hàng hóa tăng 2% so với tháng trước, quan trọng hơn là ngay cả chi tiêu cho dịch vụ và các mảng liên quan đến du lịch cũng đã tăng 7% so với tháng trước, báo hiệu một khởi đầu khởi sắc cho sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ.

Mặc dù giá dầu vẫn tăng, lạm phát tháng Tư ở mức 2,6% vẫn tương đối thấp, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường.

“Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tiếp tục tăng, chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022. Áp lực giá nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước,” chuyên gia HSBC nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục