Ngân hàng UBS hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse

Theo thỏa thuận giải cứu, UBS đã đồng ý mua Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,4 tỷ USD) dưới dạng cổ phiếu và chịu khoản lỗ lên tới 5 tỷ franc do việc đóng cửa một phần hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng UBS hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse ảnh 1Trụ sở ngân hàng UBS ở Zurich, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/6, ngân hàng UBS của Thụy Sĩ thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse, qua đó cho ra đời một ngân hàng khổng lồ với tổng giá trị tài sản và nguồn vốn lên tới 1.600 tỷ USD.

Nhiều tờ báo của Thụy Sĩ đã đăng tải bức thư mở của Giám đốc điều hành của ngân hàng UBS Sergio Ermotti và Chủ tịch Colm Kelleher, trong đó đánh giá thỏa thuận giải cứu ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018 này "là sự khởi đầu của một chương mới."

Theo thỏa thuận giải cứu, do Chính phủ Thụy Sĩ đưa ra hồi tháng 3 vừa qua, UBS đã đồng ý mua Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,4 tỷ USD) dưới dạng cổ phiếu và chịu khoản lỗ lên tới 5 tỷ franc do việc đóng cửa một phần hoạt động kinh doanh.

Thương vụ này sẽ tạo ra một ngân hàng quản lý khối lượng tài sản trị giá 5.000 tỷ USD, đưa UBS lên vị trí dẫn đầu tại các thị trường chủ chốt mà lẽ ra ngân hàng này sẽ mất nhiều năm tăng trưởng về quy mô và phạm vi hoạt động mới có thể đạt được.

Ngoài ra, thỏa thuận giải cứu cũng sẽ chấm dứt lịch sử 167 năm hoạt động của Credit Suisse. Thỏa thuận này là vụ "siêu sáp nhập" đầu tiên của các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sau thương vụ, các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận 1 cổ phiếu của UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu của Credit Suisse mà họ đang nắm giữ.

Ngân hàng mới sẽ sử dụng 120.000 nhân viên trên toàn cầu, mặc dù UBS từng thông báo sẽ cắt giảm lao động nhằm phát huy lợi thế của sự đồng bộ và nhằm cắt giảm chi phí.

Ngân hàng UBS hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse ảnh 2Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở Lucerne, Thụy Sĩ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 9/6, Bộ Tài chính Thụy Sĩ thông báo chính phủ nước này đã ký một thỏa thuận cung cấp bảo lãnh trị giá 9 tỷ franc (10,01 tỷ USD) với UBS nhằm giảm rủi ro mà ngân hàng này phải gánh chịu sau thương vụ mua lại Credit Suisse.

Thông báo của bộ trên nêu rõ: "Chính phủ Thụy Sĩ sẽ cấp cho UBS khoản bảo lãnh trị giá 9 tỷ franc để bù đắp cho các chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản của Credit Suisse, theo đó hoàn tất việc tiếp quản. Khoản bảo lãnh sẽ chỉ có hiệu lực nếu tổn thất từ việc thanh lý các tài sản này ở trong khoảng 5-9 tỷ franc."

[Vụ giải cứu ngân hàng Credit Suisse: Thụy Sĩ thành lập Ủy ban điều tra]

Chính phủ Thụy Sĩ nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của cả chính phủ lẫn UBS là giảm thiểu những tổn thất và rủi ro tiềm ẩn để "tránh trường hợp phải sử dụng tối đa khoản bảo lãnh."

Thông báo của chính phủ và UBS không đề cập đến hướng giải quyết trong trường hợp các khoản thiệt hại vượt hạn mức 14 tỷ franc - gồm khoản lỗ 5 tỷ franc mà UBS phải gánh liên quan việc mua lại và 9 tỷ franc chính phủ chi trả cho bảo lãnh.

Trước đó, ngày 2/6, Giám đốc điều hành UBS Ermotti cho biết ngân hàng này có thể sẽ phải cắt giảm nhân sự sau khi mua lại Credit Suisse.

Ngân hàng UBS hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse ảnh 3Quang cảnh tòa nhà Quốc hội Thụy Sĩ tại Bern. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Quản lý Tài sản Thụy Sĩ (AMAS) tổ chức ở thành phố Bern, ông Ermotti cho biết trong thời gian tới, UBS sẽ không thể đảm bảo việc làm cho tất cả nhân viên.

Ông giải thích rằng UBS sẽ cần phải xem xét nghiêm túc vấn đề chi phí sau khi tiếp quản Credit Suisse để đảm bảo doanh thu ổn định. Quan chức này thừa nhận đây là một "quyết định khó khăn," đồng thời cho biết thông báo chính thức sẽ được đưa ra trong những ngày tới.

Ngày 25/5, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban châu Âu (EC) về việc mua lại ngân hàng Credit Suisse.

Thông báo của EC đánh giá “vụ sát nhập không làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường. Chưa kể, ngân hàng sắp tới cũng sẽ đối mặt với sức ép từ các đối thủ khác trên toàn cầu, bao gồm các ngân hàng lớn của thế giới.”

Hồi tháng 3 vừa qua, Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã phê duyệt việc UBS tiếp quản Credit Suisse để duy trì tất cả các hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng mà không bị hạn chế hoặc gián đoạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục