Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2022-2023 đối với các cầu yếu và tách cầu chung giữa đường bộ-đường sắt.
Theo báo cáo của VNR, trên mạng đường sắt quốc gia hiện vẫn còn 3 cầu chung đường bộ-đường sắt là Lục Nam, Long Đại, Phố Lu. Cùng đó, hệ thống đường sắt còn 428 cầu yếu, hết niên hạn sử dụng hoặc không phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn.
Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt kiến nghị bố trí khoảng 1.700 tỷ để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm và làm các công trình để tách giao thông đường bộ, đường sắt đối với 3 cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu.
Bên cạnh đó, VNR cũng kiến nghị bố trí vốn giai đoạn 2022-2023 để làm cầu vượt, xử lý các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt tại 9 vị trí; xử lý nguy cơ đá lăn, đá rơi đảm bảo an toàn tại 14 vị trí; cải tạo, sửa chữa 13 hầm tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
[Bố trí 3.000 tỷ đồng bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022]
Trong thời gian qua, ngành đường sắt được bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng nhằm giúp tăng năng lực thông qua đoàn tàu và cải thiện chất lượng dịch vụ đối với khách đi tàu.
Dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh được chia làm 4 gói, gồm dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang-Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỷ đồng.
Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng./.