Nhà nước phải làm rõ ‘thiên chức’ để ngành đường sắt không tụt hậu

So với phương thức khác, ngành đường sắt không có chủ thể nào gây áp lực nên sẽ khó cải thiện hạ tầng và phải trông chờ vào nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước trong một thời gian dài.
Hạ tầng đường sắt cũ kỹ và lạc hậu hàng trăm năm đã khiến ngành khó cạnh tranh với loại hình vận tải khác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hạ tầng đường sắt cũ kỹ và lạc hậu hàng trăm năm đã khiến ngành khó cạnh tranh với loại hình vận tải khác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hiện nay, ngành đường sắt với “thân thể già nua” kể cả về khoa học kỹ thuật lạc hậu lẫn tài sản hữu hình đã rất khó cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp khiến ngành ngày càng yếu thế về thị phần hành khách và hàng hóa so với đường bộ, hàng không.

Bị Nhà nước lãng quên

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” vào sáng 25/3, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thừa nhận, đường sắt nước ta được xây dựng 140 năm, hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, lại không được cải cải tạo, nâng cấp nhiều mà chỉ duy tu trong khi nguồn vốn cho công tác này cũng khá hạn hẹp.

Hiện, dọc tuyến đường sắt Bắc-Nam có hàng ngàn đường cong bán kính dưới 300m, không đồng đều tải trọng, trên 14.000 vị trí bị xâm phạm an toàn giao thông, đường sắt đầu tư thay thế hạ tầng cũ chứ không tạo dòng sản phẩm mới nên khó tạo động lực phát triển.

Chưa kể, công nghệ các nước phát triển đã dùng điện khí hóa, đệm từ thậm chí là đường ống trong khi đường sắt nước ta vẫn chạy đường đơn với nền tảng công nghệ dielsen dẫn đến khả năng luân chuyển hàng hóa thấp, năng lực tàu thông qua chỉ được 21 đôi tàu/ngày đêm nên không đáp ứng được sự phát triển của kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa và hành khách.

“Với các phương thức khác, áp lực của phương tiện sẽ tạo động lực phát triển để cải thiện hạ tầng, còn đường sắt không có chủ thể nào gây áp lực nên sẽ khó cải thiện hạ tầng và phải trông chờ vào nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước trong một thời gian dài. Đường sắt ít tạo ra giá trị thặng dư cho địa phương nên chưa được quan tâm đầu tư. Vì thế cần có sự thay đổi về nhận thức xã hội và tư duy,” ông Minh giãi bày.

[Ngành đường sắt lo bị xóa sạch 3.200 tỷ đồng nguồn vốn chủ sở hữu]

Đồng tình quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chỉ ra rằng, so với đường bộ, hàng không, ngành đường sắt chậm phát triển bởi tư duy, nhận thức chưa có sự thay đổi và sự quan tâm của các Bộ, ngành.

Nhìn nhận bất kỳ mặt nào của ngành cũng có sự đột phá và Chính phủ phải có sự quan tâm về kế hoạch chiến lược để bố trí nguồn lực, theo ông Tiến, đất nước nếu không có hạ tầng đường sắt phát triển thì sẽ không thể công nghiệp hóa trong vận chuyển hàng hóa.

“Chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm Nhà nước và doanh nghiệp, Nhà nước giao đường sắt khai thác, quản lý hạ tầng phải đảm bảo an toàn, ngành đường sắt khai thác sử dụng hàng hóa và vận tải. Vấn đề này hiện chưa rõ nên ngành này hiện nay gánh toàn bộ, trong khi nguồn lực đầu tư không cao. Do đó, phải phân định rõ từng lĩnh vực, vị trí vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng chứ không chỉ cải tạo, duy tu như hiện nay,” vị Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nói.

Theo ông Phan Lê Bình, Chuyên viên về kỹ thuật hạ tầng JICA, kể từ khi đất nước đổi mới, trong 30-40 năm qua, quan tâm đầu tư của đất nước với đường sắt chưa tạo sự thay đổi cách mạng nên trong quan hệ so sánh với các phương thức khác thì ngành này tụt hậu xa, khó thu hút người dân sử dụng.

Gỡ khó về cơ chế, chính sách và nguồn vốn phân bổ

Tại buổi tọa đàm, ông Minh cũng bộc bạch và cho rằng, cả thế giới thấy rằng đường sắt là ngành cần được đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng với nước ta còn khó khăn và hạn chế, khó khăn ở đây chính là cơ chế.

“Tiền có thể hữu hạn nhưng cơ chế không hữu hạn. Trong 30 năm đổi mới, chúng ta tập trung cho hàng không, đường bộ, hàng hải để giải quyết các nút thắt về kinh tế-xã hội. Chính phủ phải tính tới thiên chức từng lĩnh vực giao thông, với vận tải đường sắt là vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hành khách tuyến dài. Từ đó, quy hoạch thiết kế các mạng lưới lĩnh vực giao thông phù hợp dẫn đến có sự cạnh tranh. Cơ chế ở đây là phân phối nguồn lực cho 5 phương thức giao thông, quy hoạch đường sắt đã có nhưng giao vốn, phân bổ và cân đối nguồn vốn cho các loại hình vận tải thì đường sắt lại là thế yếu. Do đó, ngành vẫn mắc kẹt ở khâu tổ chức thực hiện,” vị Chủ tịch VNR chua chát giãi bày.

Nhà nước phải làm rõ ‘thiên chức’ để ngành đường sắt không tụt hậu ảnh 1Ngành đường sắt mong sớm được gỡ khó các cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn vốn cân đối để lấy lại vị thế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dẫn chứng, các loại hình vận tải hàng không, hàng hải được giao tài sản hạ tầng cho doanh nghiệp để khai thác, kinh doanh, tuy nhiên với đường sắt, đơn vị chỉ thay mặt Nhà nước để quản lý tài sản, rất khác với việc tài sản được quản lý và đầu tư vì về nguyên tắc đơn vị nào sở hữu tài sản thì đơn vị đó đầu tư.

“Lĩnh vực nào chưa phát triển và hấp dẫn cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư. Khi các phương thức vận tải đã hấp dẫn, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia thì nên giảm vốn Nhà nước và xã hội hóa, điều này sẽ lan tỏa đầu tư,” người đứng đầu VNR đưa ra chính kiến.

[Chủ tịch đường sắt: Nhanh cũng mất tới 3-4 năm mới khôi phục như trước]

Bổ sung thêm, ông Lê Hồng, chuyên viên cao cấp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết Luật Đường sắt sửa đổi thông qua năm 2017 đã ưu tiên chính sách đầu tư phát triển đường sắt, trong đó phân bổ nguồn vốn trung hạn hàng năm theo quy hoạch.

Tuy nhiên, qua theo dõi, ông Hồng thấy rằng, giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn đầu tư 5 lĩnh vực giao thông thì đường sắt chỉ được 4% để thấy rằng Chính phủ chưa quyết liệt đầu tư cho đường sắt dù hàng năm vẫn báo cáo Quốc hội chính sách thực hiện pháp luật đường sắt và đầu tư cho ngành này. Những năm vừa qua, đầu tư cho ngành này ít và vừa qua mới có gói 7.000 tỷ đồng cho dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang triển khai thi công.

“Thời gian tới, Chính phủ cần quyết liệt hơn, vấn đề nào vướng mắc cần giải quyết dứt điểm từ vận tải đường bộ hay hàng không chuyển hướng sang đường sắt để khối lượng vận tải ngành này sẽ nâng lên. Mặt khác, muốn tạo cú hích để doanh nghiệp ‘rót vốn’ đầu tư đường sắt cần cụ thể hóa các ưu đãi về đầu tư,” ông Hồng kiến nghị.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và chuyên gia cũng góp ý để phát triển ngành đường sắt cần phải gấp rút xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đồng thời cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu nâng cao năng lực thông qua. Hiệu quả khai thác hạ tầng phải có sự kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển, kết nối đường bộ, đường sắt đô thị và giá trị thương mại từ các nhà ga để đồng loạt nâng chất lượng hạ tầng, chất lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục