Ngành logistics cần hình thành mạng lưới đủ mạnh để dẫn dắt thị trường

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp logistics trong nước mới chỉ nắm giữ khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
Ngành logistics cần hình thành mạng lưới đủ mạnh để dẫn dắt thị trường ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu của Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế thời gian qua, song những bất cập về dịch vụ logistics là một trong những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước.

Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp tạo đột phá trong lĩnh vực này cũng là chủ đề của hội thảo: “Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho doanh nghiệp,” do Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 20/4, tại Hà Nội.

Sức cạnh tranh kém

Việt Nam nằm ở vị trí thuận lợi với cả đường biển, đường bộ và đường sông và đường sắt, song việc kết nối các dịch vụ logistics còn nhiều bất cập.

Theo đại diện Công ty cổ phận Vận tải và Thương mại đường sắt, điểm mấu chốt trong hoạt động kinh doanh là chi phí và đây là điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, cùng với đó là chất lượng dịch vụ còn chưa tốt.

[Xuất khẩu gặp khó vì giá cước cao và thiếu container lạnh]

Ngoài ra, sự hạn chế về quy mô doanh nghiệp, trình độ quản lý, trình độ nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin… cũng là rào cản khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics Việt Nam chưa thể vươn tầm quốc tế.

Nhìn vào hệ thống đường sắt Việt Nam cho thấy, do hình thành từ thế kỷ trước, không xây dựng thêm những tuyến mới để kết nối các vùng miền khác, vẫn tập trung ở trục Bắc-Nam; tải trọng cầu đường không đồng bộ dẫn đến khả năng vận chuyển toàn tuyến giảm sút.

Bên cạnh đó, hệ thống kho bãi hiện chỉ có khoảng 38,5 nghìn m2, phần lớn là kho tổng hợp đã xuống cấp vốn được đầu tư từ nhiều năm trước, không có kho nào đạt tiêu chuẩn lưu trữ và bảo quản các mặt hàng tươi sống và hàng giá trị cao.

Có thể thấy sự kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác chưa cao khiến chi phí vận tải tăng, dẫn tới chi phí logistics tăng làm giảm khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt nói riêng và logistics Việt Nam nói chung.

Theo thống kê, vận tải hàng hóa nội địa trên đường bộ chiếm 65% tổng sản lượng vận tải trong khi đường sắt chỉ chiếm 0,6%, đường biển 18%. Như vậy, thị phần của các phương thức vận tải hàng hóa còn chênh lệch, chưa được đồng bộ hợp lý.

Trong khi đó, lĩnh vực hàng không cũng chưa phát huy được hết lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam, nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước.

Tuy vậy, thị phần vận chuyển của các hãng hàng không trong nước chỉ chiếm 12% trong khi 88% còn lại nằm trong tay 75 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư mạnh để phát triển các dịch vụ giao nhận hàng, song với một thị trường cạnh tranh khốc liệt thì sự kết nối thành những tập đoàn lớn mạnh, đủ sức vươn ra quốc tế vẫn còn khá khiêm tốn.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần giao nhận vận tải quốc tế Lacco, cho biết vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam nên Lacco khó tiếp cận ký hợp đồng trực tiếp với các công ty FDI mà phải làm thầu phụ cho các công ty nước ngoài, làm những việc khó và lợi nhuận thấp.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải quốc tế (cước đường biển và cước hàng không) nằm trong tay các hãng vận chuyển lớn của nước ngoài giá biến động nhiều không ổn định dẫn đến việc khó khăn cho công ty trong việc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ logistics dài hạn cho đối tác…

Cần những doanh nghiệp dẫn dắt

Thực tế xét về trình độ phát triển, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP.

Ngành logistics cần hình thành mạng lưới đủ mạnh để dẫn dắt thị trường ảnh 2Các đại biểu tham dự hội thảo về logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong số hơn 4.000 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, có tới 90% là doanh nghiệp trong nước nhưng hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng cho thấy, các doanh nghiệp logistics trong nước mới chỉ nắm giữ khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.

Hoạt động của doanh nghiệp logistics trong nước manh mún, thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi, cũng như giữa doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu.

Trong vận tải hàng hóa, doanh nghiệp logistics trong nước mới được khách hàng thuê vận chuyển tới cảng nội địa; sau cảng là do doanh nghiệp nước ngoài quyết định đơn vị vận chuyển. Do vậy, xét ở cả chiều mua và chiều bán, các doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về thị phần khai thác.

Nhìn tổng thể, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Thúc đẩy logistics phát triển mạnh, hiệu quả là một đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đang đặt ra.

Từ thực tế đó, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau; giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp; hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam...

“Hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của các doanh nghiệp mà còn cần những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước,” ông Khánh khẳng định.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, thói quen tiêu dùng đang dần thay đổi theo hình thức mua sắm và thanh toán online. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng khả năng giao dịch và mua bán toàn cầu.

Theo đó, xuất nhập khẩu trực tuyến được xem là đích đến của nhiều doanh nghiệp. Bởi đây không chỉ là xu thế mà đã trở thành thực tế phát triển của nhiều nền kinh tế.

Ông Nguyễn Tuấn Vinh-Người sáng lập sàn giao dịch xuất nhập khẩu toàn cầu1908v.com cho biết trước đây hoạt động xuất nhật khẩu dường như chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn cùng tiềm lực kinh tế cao.

Tuy nhiên, hiện nay những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ cũng có thể “bình đẳng” vươn tới thương mại toàn cầu nếu thực sự chủ động và được hệ thống logistics tốt trợ giúp.

"Thực tế đã chỉ ra rằng sàn giao dịch xuất nhập khẩu toàn cầu đang dần thực hiện hóa nền thương mại không biên giới trên tất cả các khía cạnh, góc độ, không gian, thời gian… Do vậy, sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất, nhà xuất khẩu và người tiêu dùng đang trở thành xu thế chung. Đây sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp khi xuất khẩu trực tuyến," ông Vinh nói./.

Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, quyết định 221/QĐ-TTg cũng đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ chính mà các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội cần thực hiện để đạt được mục tiêu nêu trên. Trong đó, phát triển thị trường dịch vụ logistics là một trong 6 nhóm nhiệm vụ chính mà Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg đã đưa ra.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục