'Ngành Tài nguyên và Môi trường đóng góp lớn cho quá trình Chuyển đổi Xanh'

Năm 2023, ngành Tài nguyên và Môi trường có nhiều đóng góp lớn cho quá trình Chuyển đổi Xanh, góp phần quan trọng, giúp Việt Nam lần đầu tiên bán chứng chỉ carbon và phát hành Trái phiếu Xanh...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Năm 2023, ngành Tài nguyên và Môi trường đã về đích với nhiều kết quả tích cực. Trong đó nổi bật là việc tạo lập hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, thống nhất, bảo đảm các hoạt động quản lý Nhà nước nhịp nhàng, thông suốt, đóng góp lớn cho quá trình Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số của đất nước.

Đó là một trong những điểm sáng nổi bật được đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường” diễn ra trong ngày 31/12, tại Hà Nội.

Hoàn thiện chính sách giúp khai thác hiệu quả tài nguyên

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, trong năm 2023, toàn ngành đã nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý Nhà nước của bộ, ngành, đặc biệt là trong bối cảnh bộ có sự thay đổi về chuyển giao lãnh đạo. Nhờ đó ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được bộ, ngành quan tâm, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống; hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật cũng như trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề môi trường ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất…

Cũng theo ông Khánh, trong năm 2023, ngành đã tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông; thực hiện giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, nhờ đó đến nay 100% các hồ chứa đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày.

nguon-nuoc-594.png
Hiện nay 100% các hồ chứa đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Về môi trường, ngành đã triển khai xử lý các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, phối hợp với địa phương tập trung xử lý ô nhiễm môi trường; đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%.

“Thực hiện Tuyên bố JETP nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng cơ chế huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen Xanh, phát triển điện gió ngoài khơi,” ông Khánh nói.

Ngoài ra, ngành này cũng chú trọng thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, nhờ đó lần đầu tiên Việt Nam bán chứng chỉ carbon và phát hành Trái phiếu Xanh; triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thẳn thắn thừa nhận trong năm 2023, ngành này vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần khắc phục trong năm 2024. Đó là hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường thường xuyên được quan tâm sửa đổi, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn, vẫn còn giao thoa chồng chéo với các ngành lĩnh vực khác.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn lực tài nguyên và môi trường trong năm 2023, dù đã đóng góp to lớn cho kinh tế-xã hội của đất nước, từng địa phương, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến, tiềm năng về kinh tế biển chưa được phát huy đầy đủ.

Đẩy mạnh Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả mà ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023.

thu-tuong-513.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

Tuy vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu.

Thủ tướng yêu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường cần quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Đặc biệt, trong năm 2024, ngành cần đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; triển khai Tín dụng Xanh, phát hành Trái phiếu Xanh; nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước; triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác về hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái...

Tiếp thu toàn bộ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Về công tác xây dựng thể chế, chính sách đặc biệt là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bộ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến yêu cầu phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết trong quá trình xây dựng luật, bộ sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tháo gỡ các vướng mắc theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng Kinh tế tuần hoàn, Chuyển đổi Số, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Thủ tướng nêu ra.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng khẳng định sẽ đưa các nội dung chính được Thủ tướng chỉ đạo, xây dựng ngay vào chương trình hoạt động năm 2024 và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chia sẻ những thuận lợi khó khăn trong công tác phối hợp triển khai, đồng thời hiến kế, đóng góp ý kiến về các chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thành công trong năm 2024./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục