Quản trị Tài nguyên Nước Quốc gia: Quyết sách lớn giữ ‘mạch nguồn’ sự sống

Luật Tài nguyên Nước 2023 được đánh giá là bước tiến rất lớn về tư duy, cách thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, qua đó góp phần nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với 468/472 (đạt 94,74%) phiếu đồng thuận, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên Nước 2023.

Sự kiện trên đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” và bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh về tầm nhìn của luật cũng như lộ trình đưa quyết sách lớn đi vào cuộc sống.

Nguồn nước được quản trị bằng công nghệ số

- Từ góc nhìn của cơ quan hoạch định chính sách, theo ông, đâu là những điểm mới của Luật Tài nguyên Nước 2023?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Luật Tài nguyên Nước số 28/2023/QH15 được ban hành với rất nhiều điểm mới, góp phần thay đổi rất lớn phương thức quản trị tài nguyên nước ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Một trong những “điểm sáng” lớn nhất cũng là nguyên tắc cốt lõi của luật là nguồn nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn. Đây là nền tảng để nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước của Việt Nam.

Luật cũng được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra đồng thời quy định rõ “quản cái gì, quản như thế nào và ai quản.”

Theo đó, luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng,... theo chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; giải quyết cơ bản những chồng chéo, đan xen, xung đột, có “lỗ hổng” trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Trên cơ sở đó, tài nguyên nước tới đây sẽ được quản lý tổng hợp, thống nhất điều hòa phân phối cho các mục đích sử dụng và cho các địa phương theo kịch bản nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Luật quy định rõ chính sách ưu tiên hàng đầu là hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống Thông tin, Cơ sở dữ liệu Tài nguyên Nước Quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.

Như vậy, tới đây, nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông; qua đó sẽ giảm thiểu tối đa nhân lực, chi phí vận hành, quản lý.

- Ông có thể thông tin rõ hơn trong bối cảnh nguồn nước ở Việt Nam đang được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” hiện nay, Luật Tài nguyên Nước 2023 đã có những quy định gì được cho là “chìa khóa” để giải quyết các thách thức về an ninh nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước tại các đô thị lớn?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Đúng là nguồn nước ở Việt Nam đang phải đối mặt rất nhiều thách thức. Thực tế, nước ta phụ thuộc tới 60% (khoảng 504,4 tỷ m3) lượng nước từ nước ngoài. Trong khi, lượng nước nội địa phân bố không đồng đều, mùa cạn kéo dài 7-9 tháng, chỉ chiếm khoảng 28%.

cuc-truong-chau-tran-vinh-3135.jpg
Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặt khác, với áp lực phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu nước cũng tăng nhanh chóng. Cụ thể bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần do gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa và dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỷ m3/năm.

Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước gia tăng, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng cũng kéo theo các hoạt động xả nước thải (nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước) đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước; nhất là lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải...

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), ô nhiễm chất lượng nước có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm. Nếu Việt Nam không áp dụng các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải thì GDP của Việt Nam sẽ giảm 2,5% vào năm 2035.

Trước những thách thức trên, Luật Tài nguyên Nước 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; trong đó các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của luật.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hướng tới nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới; bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các “thảm họa” do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.

Phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”

- Liên hệ thực tế tại các địa phương, khi nhiều dòng sông đã cạn trơ đáy trở thành “dòng sông chết” hay những dòng sông đen đục vì hoạt động xả thải gây ô nhiễm. Xin ông cho biết quy định mới tại Luật Tài nguyên Nước 2023 sẽ góp phần thế nào trong việc phục hồi môi trường cho những dòng sông này?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” cũng là chính sách tôi rất kỳ vọng trong lần sửa đổi luật lần này.

Để có hành lang pháp lý cụ thể, Luật Tài nguyên Nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Luật cũng đã bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy; trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm "sống lại" các dòng sông (như đang được bắt đầu thực hiện đối với sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy thông qua việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên Nước 2023 cũng đã luật hóa quy định về dòng chảy tối thiểu để bảo đảm giảm thiểu tối đa tác động của các đập, hồ chứa, các công trình điều tiết phía thượng nguồn đến chế độ dòng chảy các dòng sông, góp phần phục hồi các “dòng sông chết” trên phạm vi cả nước.

- Đối với vấn đề kinh tế hóa nguồn nước, nhất là đối với các đô thị lớn, Luật Tài nguyên Nước 2023 đã được luật hóa thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Một trong những điểm mới và đã được luật hóa trong luật, đó là chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế. Đây là cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng ở rất nhiều các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Úc, Hàn Quốc, Mỹ...

thuy-dien-1301.jpg
Phục hồi, làm sống lại các dòng sông từ quy định của Luật Tài nguyên nước 2023. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đó, luật đã bổ sung các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước; sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước; bổ sung quy định về hạch toán tài nguyên nước nhằm tính đúng giá trị của nước trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ công tác điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trên các lưu vực sông.

Đặc biệt, trong trường hợp hạn hán, thiếu nước thì hạn chế phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết và ưu tiên cấp cho sinh hoạt, các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia

- Để hành lang pháp lý về bảo vệ nguồn tài nguyên nước đi vào đời sống xã hội, đi vào lòng dân, nhận được sự hợp tác của người dân trong việc triển khai các chính sách, quy định của pháp luật, theo ông, thời gian tới, làm thế nào để huy động được sức mạnh toàn dân trong công cuộc bảo vệ nguồn nước?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Theo tôi, bất kỳ một luật nào được ban hành, trong đó có Luật Tài nguyên Nước 2023, thì vấn đề làm sao để các chính sách trong luật có thể đi vào cuộc sống là yếu tố cốt lõi để đánh giá luật đó có thành công hay không.

Vì vậy, ngay từ khâu xây dựng, chúng tôi đã rà soát, đánh giá rất kỹ lưỡng tình hình thực thi pháp luật tài nguyên nước năm 2012, nhận diện những tồn tại, bất cập để xây dựng các chính sách bảo đảm phù hợp với thực tế của Việt Nam (từ công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phòng chống tác hại do nước gây ra cũng như phù hợp với điều kiện nguồn lực của đất nước).

Theo đó, Luật Tài nguyên Nước 2023 đã bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước (trong đó có nguồn vốn xã hội hóa; quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên) với quan điểm: Phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan...

- Cuối cùng, xin ông cho biết kỳ vọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi Luật Tài nguyên Nước 2023 đã được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Luật Tài nguyên Nước mới được ban hành sẽ là bước chuyển biến rất quan trọng trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, có ý nghĩa đặc biệt.

Với nhiều chính sách lớn, đột phá và quan trọng trong Luật Tài nguyên Nước lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường rất kỳ vọng và tin tưởng sẽ được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả để giải quyết những thách thức mà tài nguyên nước trước những áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; cũng như đáp ứng các yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới.

Hi vọng trong 5-10 năm tới, tài nguyên nước sẽ được quản lý bền vững, giá trị của tài nguyên nước được phản ánh đúng với giá trị một tài sản công và người dân được tiếp cận nguồn nước công bằng, sạch và an toàn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục