Ngành Giao thông giải ngân số vốn cao nhất lịch sử, hoàn thành gần 500km cao tốc

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 bộ đã giải ngân số vốn đầu tư công cao nhất trong lịch sử và luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.

Nhà thầu thi công Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, trong năm 2023, ngành Giao thông Vận tải đã đạt được nhiều thành tích rất đáng ghi nhận khi hoàn thành mục tiêu giải ngân số vốn cao nhất trong lịch sử, đưa thêm hàng trăm kilomet cao tốc vào khai thác.

Giải ngân gấp 1,7 lần năm 2022

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành Quốc gia (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không).

“Các quy hoạch là cơ sở, nền tảng hết sức quan trọng định hướng, xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư, là cơ sở huy động, sử dụng hợp lý nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Trong năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Giao thông Vận tải tập trung triển khai đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, xử lý nghiêm vi phạm, tiếp tục thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu thị phần vận tải, tăng thị phần vận tải của các lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải, từ đó giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc đã khởi công 26 dự án; hoàn thành 20 dự án (đường bộ 17 dự án, hàng hải 1 dự án; đường thủy 2 dự án ), trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km.

Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc, một số cảng hàng không và các công trình giao thông trọng yếu, hàng tháng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì họp định kỳ kết nối trực tuyến đến văn phòng điều hành hiện trường từng dự án để chỉ đạo xử lý từng vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; làm việc trực tiếp với người đứng đầu các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu, bãi đổ thải...

vnp-bo-truong-thang-920.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định phải tuyệt đối phải đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đối với các công trình giao thông, Bộ trưởng khẳng định yêu cầu tuyệt đối phải đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng; trong đó, đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo các chủ thể tham gia, nhất là các chủ đầu tư, tư vấn giám sát bám sát hiện trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra sai sót về chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Với số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 94.161 tỷ đồng, vượt rất nhiều so với kế hoạch xây dựng của bộ (khoảng 71.000 tỷ đồng), lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021), Bộ trưởng cho rằng đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới được khởi công, công tác giải phóng còn chậm, thiếu nguồn vật liệu, thời tiết và thiên tai diễn biến hết phức tạp khó lường, nội lực của các doanh nghiệp gặp nhiều “thử thách”…

Tuy nhiên, nhất quán mục tiêu, phấn đấu giải ngân tối đa số vốn được giao, tối thiểu phải đạt được 95% và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, Bộ Giao thông Vận tải đã linh hoạt thực hiện điều chuyển kịp thời vốn từ các dự án chậm giải ngân; chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án xây dựng tiến độ giải ngân cụ thể hàng tháng bám sát thực tế…

“Vì vậy, kết quả giải ngân hàng tháng của bộ luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước. Đến hết tháng 12/2023 ước giải ngân của bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Phấn đấu phê duyệt Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn, cầu thị nhìn nhận một số tồn tại như ông tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương; tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

“Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân, việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng,” Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cho hay.

Đưa ra nhiệm vụ năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch năm 2024, trong đó hoàn thành đưa vào khai thác 129km của 2 Dự án thành phần đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2021km.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đường sắt Tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến Đường sắt quan trọng Quốc gia như Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Long Thành-Thủ Thiêm, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.

duong-sat-toc-do-cao-1092.jpg
Một tuyến đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ cũng rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo cấp có thẩm quyền về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông; hoàn thiện thủ tục để tiến tới nâng tốc độ khai thác một số tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h.

Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; xem xét, ban hành những cơ chế đột phá để thu hút hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách trong đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục