Ngành thủy sản linh hoạt thích nghi điều kiện mới để tiêu thụ sản phẩm

Nắm bắt xu thế tiêu dùng, ngành thủy sản đã linh động tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sẵn như salad thủy sản xông khói, gồm cá ngừ, cá hồi, cá thịt trắng…để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản.
Ngành thủy sản linh hoạt thích nghi điều kiện mới để tiêu thụ sản phẩm ảnh 1Dây chuyền chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Khi các quốc gia trên thế giới dần ứng phó và không chế được dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu thực phẩm dinh dưỡng như thủy sản đã gia tăng tiêu thụ trở lại.

Tuy nhiên, trải qua một khoảng thời gian ứng phó với những biến động do giãn cách xã hội diễn ra khắp các quốc gia, ngành thủy sản đã có những giải pháp linh động hơn để thích nghi với hoàn cảnh trong việc tiêu thụ hàng hóa.

Tăng tốc ngoạn mục

Sau 2 năm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ngành thủy sản Việt Nam đã có thời điểm gần như ngưng lại, bởi các hoạt động phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Điều này cũng gây ảnh hưởng đến toàn ngành vì các khâu sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ bị tác động nặng nề. Tuy nhiên, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đã nỗ lực tăng tốc ngoạn mục ngay từ quý 1/2022.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ước tính xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 2,38 tỷ USD, trong khi con số này ở cùng kỳ năm 2021 chỉ là 1,64 tỷ USD. Đây là con số vượt cả kỳ vọng thích nghi tình hình mới của toàn ngành.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá ngành thủy sản cho thấy khả năng phục hồi nhanh, với nhiều nhà cung cấp thủy sản đã chuyển hướng thành công các chiến lược kinh doanh, hướng đến các kênh bán lẻ và thương mại điện tử khi đối mặt với sự thắt chặt đột ngột và nghiêm trọng của dịch vụ thực phẩm.

Chính vì nhờ hướng khai thác này, ngành chế biến xuất khẩu thủy sản đã có thể tiếp cận được người tiêu dùng nhanh nhất, hợp lý nhất để các sản phẩm thủy sản có mặt trên bàn ăn.

[Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản mang về 9 tỷ USD trong năm 2022]

Đại diện Tập đoàn Acme Smoked Fish cho biết, khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài, khiến cho người người, nhà nhà mệt mỏi, bởi việc chăm sóc bữa ăn hàng ngày và đa dạng thực đơn, món ăn vốn là điều gây khó khăn và nhàm chán cho người nội trợ.

Chính vì vậy, ngành thủy sản nắm bắt xu thế tiêu dùng, đã linh động tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sẵn như salad thủy sản xông khói, gồm cá ngừ, cá hồi, cá thịt trắng…, những sản phẩm này là những bữa ăn nhẹ, linh hoạt giúp cho người tiêu dùng rút ngắn thời gian chế biến, cũng như suy nghĩ tạo ra món ăn mới cho mỗi bữa ăn.

Không riêng các món ăn chế biến sẵn, các mặt hàng đông lạnh cũng được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Ông Lion Gardner, Giám đốc phát triển sản phẩm Tập đoàn Handy Seafood chia sẻ, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đông lạnh đang gia tăng ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 tấn công và đang đẩy nhanh thói quen này.

Thêm vào đó, người tiêu dùng luôn sẵn sàng dùng thử các mặt hàng thủy sản đông lạnh, miễn chúng có chất lượng cao, sáng tạo và ngon miệng. Chính những yếu tố này giúp cho ngành thủy sản tăng tốc ngoạn mục trong thời gian ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Tận dụng đa kênh, đa phương tiện

Sở dĩ ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói riêng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của người tiêu dùng trên thế giới nói chung phát triển mạnh cũng nhờ vào sự khai thác tối đa các kênh, các phương tiện truyền thông, bán hàng để mặt hàng thủy sản đến với khách hàng nhanh nhất.

Ngành thủy sản linh hoạt thích nghi điều kiện mới để tiêu thụ sản phẩm ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hiện sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ yếu là phile, nguyên con và cắt khúc nên giá trị gia tăng của các sản phẩm thủy sản còn thấp hơn so với giá trị chế biến thực chất. Tuy nhiên, bằng cách khai thác tối đa các kênh bán hàng, đa phương tiện, cũng như tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, giúp cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng nên cả nông, ngư dân và doanh nghiệp đều tích cực sản xuất, lạc quan vào một năm bội thu.

Với nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thị trường thế giới tăng mạnh, các doanh nghiệp chế biến và xuất khấu khẩu thủy sản đã nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất như Tập đoàn Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi; Công ty Thủy sản Khánh Sủng, Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng đều tăng cường tuyển dụng lao động để nhanh chóng thực hiện các đơn hàng cho đối tác sau khi cả nước nói riêng, các quốc gia trên thế giới nói chung ứng phó được dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, vì nhu cầu thế giới tăng nên doanh nghiệp đã nỗ lực tăng công suất sản xuất, dù nguồn nguyên liệu trong nước đang hiếm. Sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, đây là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhận nhất nên doanh nghiệp sẵn sàng tận dụng mọi lợi thế để đưa doanh số đi lên.

Như vậy, ngành thủy sản Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội nhanh nhất để phát triển, đẩy mạnh thế cạnh tranh trên thị trường để khôi phục sau thời gian bị "tắc nghẽn" do dịch COVID-19./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục