Đất nước và nhân dân Campuchia tưng bừng trong ngày kỷ niệm trọng thể 45 năm Chiến thắng 7/1 (1979-2024), ngày kết thúc chế độ diệt chủng Pol Pot, mở ra kỷ nguyên của sự hồi sinh và kiến tạo nền hòa bình trọn vẹn trên quê hương Chùa Tháp hôm nay.
Năm 2024 có ý nghĩa lớn đánh dấu kỷ niệm 45 năm Chiến thắng 7/1. Vào đúng ngày 7/1, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền tổ chức míttinh trọng thể tại quảng trường Trung tâm Hội nghị và Triển lãm đảo Kim Cương (Koh Pich) ở trung tâm thủ đô Phnom Penh, khu vực có sức chứa từ 50.000 đến 100.000 người, tạo điều kiện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại này.
Cách đây 45 năm, ngày 7/1/1979, lực lượng yêu nước tập hợp dưới ngọn cờ Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, cùng sự hỗ trợ của Quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ, giải cứu kịp thời hàng triệu người dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu thời khắc hồi sinh của đất nước và nhân dân Campuchia sau 3 năm 8 tháng 20 ngày tang thương dưới chế độ diệt chủng tàn bạo, khiến hàng triệu người dân vô tội thiệt mạng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thạc sỹ Uch Leang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), cho rằng Chiến thắng 7/1 là sự kiện lịch sử thể hiện tinh thần đại đoàn kết quốc tế giữa nhân dân và quân đội hai nước Campuchia-Việt Nam, mở ra trang mới trong quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.
Nhà nghiên cứu thuộc RAC nhấn mạnh ngày 7/1/1979 là ngày chiến thắng vĩ đại và mang tính lịch sử của nhân dân Campuchia trước chế độ diệt chủng Pol Pot, khép lại kỷ nguyên đen tối và mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội, đồng thời mở đường cho sự nghiệp thống nhất dân tộc ở Campuchia.
Sau nhiều nỗ lực, Hiệp định Hòa bình Paris về Campuchia được ký kết ngày 23/10/1991, Chế độ quân chủ lập hiến thành lập ngày 24/9/1993, Vương quốc Campuchia thứ hai được tái lập và tiến tới chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng trên quê hương Chùa Tháp vào ngày 29/12/1998, từ chính sách hợp tác cùng thắng do cựu Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen khởi xướng, giúp đất nước Campuchia có nền hòa bình, thống nhất dân tộc trọn vẹn và liên tục phát triển như hôm nay.
Theo chuyên gia Uch Leang, thông qua việc thực hiện thành công chính sách hợp tác cùng thắng trên tinh thần đoàn kết và thống nhất dân tộc theo tôn chỉ “dân tộc, tôn giáo, quốc vương,” Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã chấm dứt cuộc chiến tranh dai dẳng, khôi phục và gìn giữ nền hòa bình và an ninh cho nhân dân.
Nhờ vậy, từ một cánh đồng chết, một khu vực mất an ninh với những bãi mìn và nỗi sợ hãi năm xưa, Campuchia giờ đây đã trở thành “đảo hòa bình” và là điểm đến du lịch được nhiều người ưa thích.
Từ một đất nước lạc hậu về kinh tế với sự nghèo khó và mất an ninh lương thực năm nào, Campuchia hôm nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Từ một quốc gia từng bị bao vây cấm vận và cô lập về chính trị và kinh tế, đất nước Campuchia hôm nay đang tích cực hội nhập vào cấu trúc khu vực, đóng vai trò tích cực và bình đẳng trong các vấn đề của khu vực và trên trường quốc tế.
Những thành tựu của đất nước và nhân dân Campuchia trong gần 5 thập niên qua thể hiện rõ qua những chỉ số phát triển.
Trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia đã tăng gấp 10 lần, từ 3,11 tỷ USD lên 29,60 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 7%.
Trong giai đoạn 2017-2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia tăng gấp 15 lần.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia đạt khoảng 5,6% và dự báo đạt 6,6% năm 2024, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19.
Nhà nghiên cứu thuộc RAC lưu ý những thành tựu Campuchia đạt được hôm nay đều khởi đầu từ "bàn tay trắng," sau công cuộc lật đổ chế độ diệt chủng, do Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia tiến hành với sự hỗ trợ của Quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam.
Giáo sư sử học Sombo Manara thuộc Đại học Panasastra Campuchia ở Phnom Penh chia sẻ quan điểm trên, đề cao vai trò của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam ở thời điểm đó, đặc biệt là ở góc độ nhân đạo, giải cứu nhân dân Campuchia khỏi bị giết hại bởi chế độ diệt chủng.
Giáo sư Sombo Manara nêu rõ: “Đó là những giá trị mà chúng ta đã chia sẻ với nhau từ thời chống Pháp. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã lưu tâm, suy nghĩ, tìm cách giải quyết vấn đề ở quốc gia láng giềng này, giúp thoát khỏi nạn diệt chủng.”
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Sok Eysan, người phát ngôn CPP cầm quyền Sok Eysan nhấn mạnh sự kiện Chiến thắng 7/1 có ý nghĩa đặc biệt, đã được nhân dân và Chính phủ Hoàng gia Campuchia xác định là ngày lễ lớn của đất nước.
Theo ông, đây là ngày lễ của người dân Campuchia tưởng nhớ Ngày Chiến thắng của toàn thể nhân dân Campuchia, cũng như sức mạnh đại đoàn kết Campuchia-Việt Nam.
Ông nhấn mạnh trong suy nghĩ của mình, mọi người dân Campuchia luôn thấu hiểu ơn sâu nghĩa nặng của quân tình nguyện Việt Nam.
Sự hỗ trợ, ủng hộ của quân tình nguyện Việt Nam đã mang lại thành quả rực rỡ, cứu vớt kịp thời tính mạng dân tộc và nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, có ý nghĩa to lớn không gì sánh được.
Chuyên gia sử học Campuchia đánh giá cao sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam
Giáo sư Sombo Manara nhấn mạnh khi đề cập đến Chiến thắng 7/1/1979, không thể không nói đến vai trò của quân tình nguyện Việt Nam trong công cuộc đánh đổ chế độ diệt chủng ở Campuchia.
Và điều đó trường tồn trong tâm tưởng của người dân, thể hiện qua những tượng đài tưởng niệm được xây dựng khắp các địa phương ở Campuchia, để không bao giờ lãng quên những gian nan, đắng cay, cũng như thắng lợi chung, xuất phát từ sự hòa quyện sức mạnh đại đoàn kết giữa Campuchia và quân đội Việt Nam.
Trên tinh thần đó, ông Sok Eysan khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ quên những thành tích và công lao của quân tình nguyện Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam, đã ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ giải phóng kịp thời dân tộc và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Chúng tôi xem đó là chân lý lịch sử không thể lãng quên của Campuchia. Đó là sự thật và toàn thể nhân dân Campuchia đều biết sự thật đó”./.