Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch dân tộc Đông Bắc

Độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc là nhận xét chung của du khách về Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch dân tộc Đông Bắc, ở Tuyên Quang.
Độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc là nhận xét chung của du khách về Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ 8, năm 2012, diễn ra tại Tuyên Quang, từ ngày 27-30/9, với chủ đề “Đông Bắc - miền đất thiêng liêng tươi đẹp.”

Tham dự Ngày hội du khách không chỉ được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc do nghệ nhân người dân tộc thiểu số biểu diễn, mà con được thăm quan các khu du lịch nổi tiếng trong vùng Đông Bắc. Đến Tuyên Quang những ngày này, khắp nơi đang sống trong khí thế từng bừng của “Ngày hội lớn.”

Ông Nguyễn Duy Hiệu, khách du lịch đến từ tỉnh Thái Nguyên nhận xét: tôi đã tham dự nhiều Ngày hội văn hóa của các địa phương, song tôi rất ấn tượng khi đến với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ 8. Đặc biệt, Lễ khai mạc tổ chức tối ngày 27/9, tại sân khấu nổi hồ công viên Tân Quang, thành phố Tuyên Quang được tổ chức thật ấn tượng, với chương trình nghệ thuật gồm ba chương: Đông Bắc - đất thiêng; Hoa của núi rừng Đông Bắc; Đông Bắc - bài ca ngày mới…

Ngoài ra, mặc dù khách du lịch đến tỉnh Tuyên Quang những ngày này tăng đột biến, các nhà nghỉ, khách sạn đều "cháy phòng," nhưng các chủ nhà nghỉ, khách sạn vẫn không tăng giá so với ngày thường, giá trung bình 300.000 đến 400.000 đồng/phòng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng vùng Đông Bắc diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang - một trong những hoạt động của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ 8, du khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mỗi vùng miền. Các tiết mục văn nghệ do 300 nghệ nhân, diễn viên quần chúng của tám tỉnh vùng Đông Bắc gồm Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc biểu diễn.

Các tiết mục tham gia liên hoan đã kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, tại Liên hoan du khách còn được “đắm mình” trong những tiết mục hát Then cổ của đồng bào dân tộc Tày, do các nghệ nhân người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh trong vùng Đông Bắc biểu diễn.

Ngoài ra, trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị phát triển du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc.

Hội nghị đã thống nhất các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch trong vùng Đông Bắc thời gian tới như đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng, trong đó tập trung vào các nội dung: giao lưu văn hóa du lịch, hội chợ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tham khảo chính sách, phổ biến những điển hình trong phát triển du lịch....

Tham dự Ngày hội du khách còn được thăm quan những địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong vùng như: Khu du lịch lịch sử và sinh thái Quốc gia Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - Thủ đô kháng chiến; các di tích thuộc ATK (an toàn khu) Định Hóa (Thái Nguyên); hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - một trong hai hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới; Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu...

Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Trưởng ban tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ 8, năm 2012, vui mừng cho biết Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc được tổ chức không chỉ mang lại những thuận lợi trong mở rộng hợp tác, giao lưu, khai thác tiềm năng du lịch giữa các tỉnh trong vùng mà còn giúp du khách được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp dung dị của đất và người miền núi; thăm quan những di tích, danh thắng làm say lòng người.

Ngoài ra, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và giới thiệu những nét văn hóa, thể thao và du lịch truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của mỗi dân tộc, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng Đông Bắc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Đây là dịp để tỉnh Tuyên Quang giới thiệu, tôn vinh và khẳng định truyền thống lịch sử, văn hóa, vị thế của quê hương cách mạng Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến đến với du khách trong và ngoài nước; qua đó thúc đẩy ngành du lịch phát triển, với mục tiên phấn đấu trong năm nay toàn tỉnh sẽ đón 700.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 550 tỷ đồng; đến năm 2015, thu hút trên một triệu lượt khách du lịch./.

Vũ Quang Đán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục