Ngày Người khuyết tật: Giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng

Toàn bộ các xã, phường, thị trấn đã tiến hành xác định, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.
Ngày Người khuyết tật: Giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng ảnh 1Nạn nhân bom mìn Lê Quang Ninh (sinh năm 1976), xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong lần đi kiếm phế liệu để bán lấy tiền năm 1993 đã cuốc phải bom bi nổ đứt bàn tay và mù mắt bên phải, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn và là hộ nghèo của xã. Khi được hỗ trợ 6 triệu đồng để nuôi lợn, giới thiệu vay hàng chục triệu đồng từ Hội làm vườn nuôi bò sinh sản, vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư mô hình kinh tế trang trại, gia đình giờ đã ổn định, từng bước làm giàu. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã phát nổ khiến hơn 40.000 người tử vong, trên 60.000 người bị thương tật, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Trước tình hình này, cùng với rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, sự trợ giúp từ Nhà nước và cộng đồng trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm đã và đang phần nào đáp ứng được mong mỏi của hàng vạn người khuyết tật là nạn nhân bom mìn trong cả nước, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Những hoạt động hỗ trợ phù hợp, thiết thực

Gần 20 năm trước, anh Triệu Văn Nguyên, người dân tộc Dao, ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, bị cụt chân phải do dẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Ngày gặp nạn, anh vào rừng lấy củi thì không may dẫm đúng trái mìn, vậy là “chân nát bét.”

Lấy vải buộc cầm máu từ giữa cẳng chân lên, Triệu Văn Nguyên lết ra khỏi rừng rồi được người dân trong bản Nậm Ngặt đưa tới Trạm Y tế xã sơ cứu trước khi chuyển lên Bệnh viện tỉnh Hà Giang.

Vỗ vào chiếc chân giả nối từ khuỷu gối xuống, Triệu Văn Nguyên cho hay xã Thanh Thủy có hàng chục người vướng phải bom, mìn rồi thành người khuyết tật như anh. Mất đi một phần cơ thể như chân, tay nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

[Hướng tới mục tiêu không còn thương vong do tai nạn bom mìn vào 2025]

“Hồi mới bị nạn, tôi không đi làm nương được. Sức khỏe giảm sút nên không thể gánh vác được những công việc nặng nhọc. Từ khi được Nhà nước giúp làm chân giả, tôi đi lại thuận tiện hơn, có thể nuôi gà, làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống vì thế cũng bớt vất vả hơn,” anh Triệu Văn Nguyên kể.

Anh cho biết những nạn nhân khuyết tật về chân, tay như anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng trọt, nên họ chỉ mong có con bò, con trâu nuôi để phát triển kinh tế.

Cũng như anh Triệu Văn Nguyên, vào năm 2000, ông Bồn Văn Hòn ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên cụt cả hai chân do vướng phải mìn khi đi nương.

Chiếc xe lăn mà Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Giang tặng ông Hòn cách đây vài năm đã giúp ông vợi bớt nỗi đau cùng những nhọc nhằn mà cơ thể ông đè nặng lên đôi nạng gỗ.

Kể về những vất vả gặp phải, ông Bồn Văn Hòn trầm tư nói: “Cả xã Thanh Thủy có hàng chục người là nạn nhân của bom, mìn. Thương tật khiến cho ước mơ phát triển kinh tế gặp rất nhiều trở ngại, nhiều hộ trong hoàn cảnh rất nghèo. Chỉ mong sao cơ quan chức năng dọn được hết bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh để chúng tôi yên tâm canh tác.”

Xác nhận hoàn cảnh khó khăn của những hộ có người khuyết tật là nạn nhân bom mìn trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Thủy Nguyễn Thị Tuyên cho hay từ nhiều năm nay, tỉnh Hà Giang, huyện Vị Xuyên và xã Thanh Thủy đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hướng về cơ sở, tiến hành khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng này. Điển hình như việc trao bò sinh sản cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống kể từ sau khi gặp phải tai nạn bom mìn tại xã Thanh Thủy.

Hiện nay, các lực lượng của Quân đội đang rà phá bom, mìn, vật cản nổ tại một số địa bàn trọng điểm ở xã Thanh Thủy với tổng diện tích trên 110ha nhằm tạo quỹ đất sạch cho người dân canh tác.

Nhiệm vụ này hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, từng bước góp phần phát triển, nâng cao đời sống của đồng bào - bà Nguyễn Thị Tuyên cho hay.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết số lượng bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều đã làm ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, tác động đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, Hà Giang rất cần nhận được các nguồn lực từ Trung ương để tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Thời gian qua, hàng trăm ha đất đã được các lực lượng của Quân đội rà phá sạch bom mìn và bàn giao cho các địa phương.

Từ khi đất sạch mìn, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã đến dựng nhà mới, sử dụng đất sạch để trồng ngô, lúa tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý nói.

Các hoạt động hỗ trợ căn cơ, lâu dài

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có trên 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine.

Trước thực trạng này, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách quan tâm và hỗ trợ căn cơ, lâu dài cho người khuyết tật, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn gây ra.

Ngày Người khuyết tật: Giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng ảnh 2Người dân bị ảnh hưởng bởi bom, mìn, vật liệu nổ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Quảng Ninh, Quảng Bình được nhận hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để mua trâu, bò giống sinh sản phát triển kinh tế. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Hiện nay, toàn bộ các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.

Trong chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Đồng thời, Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn đang tích cực phát triển.

Hiện toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 73 cơ sở chăm sóc cho người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt.

Để cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng và tự vươn lên trong cuộc sống, các bộ, ngành, các địa phương tích cực triển khai nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chất...

Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh.

Hằng tháng, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Đối với giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, thời gian qua, hàng vạn người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn, đã được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước.

Cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, trong đó có khoảng 10% là người khuyết tật, nạn nhân bom mìn.

Đặc biệt, những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KOICA) giúp cho nhiều nạn nhân bom mìn giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA), hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh kế, phù hợp đối tượng, mang tính bền vững, tổ chức này tập trung nghiên cứu vận dụng các mô hình như hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ tái định cư ở vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ, đồng thời, sẵn sàng xử lý việc hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn đột xuất do bom mìn trên các địa bàn.

Hội tập trung khảo sát đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình “ngân hàng bò” mà tổ chức này đã hỗ trợ những năm qua tại các địa phương.

Hội còn phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hòa bình Mỹ Lai và các tổ chức xã hội nhân đạo, từ thiện để mở rộng địa bàn hỗ trợ sinh kế, kết hợp khám chữa bệnh cho nạn nhân bom mìn, chất độc da cam, người khuyết tật và các đối tượng chính sách tại các địa phương trọng điểm, vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục