Nghề khai thác yến sào Thanh Châu trở thành di sản văn hóa quốc gia

Trong đợt này, cùng với nghề khai thác yến sào Thanh Châu, 16 di sản khác đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề khai thác yến sào Thanh Châu trở thành di sản văn hóa quốc gia ảnh 1Chòi canh yến nằm cheo leo trên vách núi. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan này đã chính thức công nhận nghề khai thác yến sào Thanh Châu (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, Quảng Nam) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thông tin trên được nêu rõ tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng theo quyết định nêu trên, cùng với nghề khai thác yến sào Thanh Châu, 16 di sản khác (thuộc địa bàn các tỉnh/ thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế) cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những di sản văn hóa phi vật thể này thuộc các loại hình: Lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian.

Cụ thể, 17 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận trong đợt này bao gồm:

1/ Lễ hội Đình Lưu Xá (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

2/ Lễ hội làng Quang Lang (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình).

3/ Lễ hội Đền Cửa Ông (phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh).

4/ Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắt khoăn) của người Nùng (huyện Na Rì, Bắc Kạn).

5/ Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày (huyện Na Rì, Bắc Kạn).

6/ Lễ hội Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

7/ Nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội).

8/ Nghệ thuật bài chòi (Đà Nẵng).

9/ Hát trống quân (Hưng Yên).

10/ Trò diễn Pôồn Pôông của người Mường (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa).

Nghề khai thác yến sào Thanh Châu trở thành di sản văn hóa quốc gia ảnh 2Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở làng mộc Kim Bồng (Quảng Nam). (Ảnh: TTXVN)

11/ Nghề mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, Quảng Nam).

12/ Nghề khai thác yến sào Thanh Châu (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, Quảng Nam).

13/ Nghi lễ cấp sắc của người Dao (Sơn La).

14/ Lễ cúng dòng họ (Tu su) của người Mông (Sơn La).

15/ Nghi lễ Tết nhảy (Nhảng chầm đao) của người Dao (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

16/ Lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ).

17/ Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế).

Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ./

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong diện kiểm kê để lập hồ sơ khoa học, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm:

1/ Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam.
2/ Ngữ văn dân gian.
3/ Nghệ thuật trình diễn dân gian.
4/ Tập quán xã hội.
5/ Lễ hội truyền thống.
6/ Nghề thủ công truyền thống.
7/ Tri thức dân gian.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục