Nghe lính hình sự kể chuyện chống mua bán người

Gã lính hình sự tỷ mẩn với trang hồ sơ cũ kỹ và bảo, mỗi chuyên án đi qua là một dấu ấn khó có thể quên được cho đến tận cuối đời.

Căn phòng của đội 12 Cảnh sát hình sự Hà Nội lặng phắc và thênh thang. Gã lính hình sự tỉ mẩn lật lại những trang hồ sơ cũ kỹ. Gã bảo, với gã, mỗi một chuyên án đã đi qua là một dấu ấn khó có thể quên được cho đến tận cuối đời.


Thượng úy Phạm Hồng Quân, một trong 20 gương mặt được Bộ Công an vinh danh vào ngày 17-18/8 đã bắt đầu câu chuyện vui buồn đời lính hình sự bằng cái cười giản đơn như thế.

Lính hình sự từ trường kinh doanh

Nếu lần đầu gặp Quân, chẳng ai nghĩ gã là dân hình sự thâm niên 10 năm có lẻ. Gã điển trai, cười hết cỡ, quần áo lượt là và đôi mắt luôn nhìn thẳng vào người đối diện. Gã nói ào ào, cười ào ào, nhưng lại cũng rất trầm ngâm khi nhắc về nghiệp của đời mình.

Rằng, gã vốn không phải xuất thân từ trường công an. Suốt thời trai trẻ, gã từng ngày đạp xe mấy chục cây số từ xứ Đoài mây trắng ra Viện Đại học Mở dùi mài ở khoa Quản trị kinh doanh. Rằng, gã tốt nghiệp năm 2002, nhưng mãi một năm sau, gã mới nghĩ đến việc làm công an.

“Thời gian ấy, được sự động viên của gia đình, tôi nộp hồ sơ vào ngành,” gã tâm sự.

Ngày đầu, Quân được bố trí vào đội trọng án của Công an tỉnh Hà Tây cũ.

“Vạn sự khởi đầu nan” những ngày đầu bắt tay vào công việc thật không dễ dàng. Ban đầu, để học nghiệp vụ, gã trai trẻ phải mượn hồ sơ lưu của các chú, các anh đi trước học cách ghi lời khai, cách lập biên bản… Không dừng lại ở đó, Quân còn ngồi nghe các bác, các chú đi trước hỏi cung đối tượng; lăn lộn xuống địa bàn học cách tiếp cận, rà soát và thu thập thông tin. Quân say nghề, vừa làm vừa học nên chỉ một năm sau đã được giao thụ lý các vụ án đơn giản… Sau hai năm, Quân đi học thêm lớp nghiệp vụ tại Học viện An ninh.

Khoảng thời gian công tác tại đội cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Tây cũ cũng đã rèn luyện cho gã tính cách đeo bám đến cùng vụ án vốn là điểm nổi bật của lính hình sự. Gã bảo, có những án mờ kéo dài, từ khi bắt đầu đến khi khép lại ròng rã 6 tháng trời. Trong suốt khoảng thời gian ấy, với tư cách người trực tiếp tham gia chuyên án, Quân lúc nào cũng trăn trở.

Lần giở ký ức, gã kể, đó là vào một ngày đông cuối năm 2004, đơn vị nhận được tin báo về vụ bắt cóc trẻ em tại huyện Ứng Hòa. Theo thông tin ban đầu, nạn nhân là cháu Nguyễn Thị Linh Chi, khi đó mới 8 tuổi. Cháu Chi bị kẻ gian bắt đi và nhắn tin yêu cầu gia đình phải nộp tiền mới cho cháu về nhà an toàn.

Suốt thời gian này, anh em trong đội ngày ngày phải đi quãng đường hàng chục cây số về hiện trường, khoanh vùng đối tượng. Một loạt nghi vấn được đưa ra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng chân dung hung thủ cũng lộ diện.

“Tham gia từ đầu chí cuối, nhưng đến khi, kẻ gây án bị bắt giữ, tôi vẫn không hết bàng hoàng,” gã nhớ lại.

Điều khiến cả cơ quan công an và người nhà nạn nhân vô cùng bất ngờ đó là hung thủ không phải ai xa lạ mà chính là Vũ Đức Trung, học sinh lớp 12, con nhà hàng xóm của nạn nhân. Do nợ tiền lô đề thường xuyên nên Trung đã lên kế hoạch bắt cóc, tống tiền rồi giết hại cháu Chi. Ngày 26/11/2004, cháu Chi sang nhà Trung chơi, lợi dụng lúc vắng vẻ, Trung đã đẩy cháu từ trên gác xép xuống đất. Sau đó, dùng tay bóp miệng giết chết cháu Chi, giấu xác trên gác xép. Đến 20 giờ 40 cùng ngày, hắn đã bán dây chuyền của cháu Chi để mua thẻ điện thoại, bắt đầu gọi điện tống tiền đến gia đình ông ngoại cháu Chi. Dù đã vứt xác cháu bé xuống sông Đáy, nhưng tên hung thủ tàn nhẫn vẫn thực hiện kế hoạch tống tiền, khiến gia đình nạn nhân vẫn tin và hy vọng cháu bé còn sống.

Sau những chuyến đánh án ấy, gã trai trẻ tốt nghiệp quản trị kinh doanh ngày nào dần dạn dầy hơn trong trận tuyến đấu tranh với tội phạm. Đây cũng là hành trang vô cùng quan trọng gã mang theo khi tham gia các chuyên án lớn hơn tại Phòng Cảnh sát hình sự sau này.

Nghe lính hình sự kể chuyện giải cứu buôn người

Khi công việc ở Đội trọng án đang dần quen, thượng sĩ Quân được điều về Đội hướng dẫn phòng ngừa tội phạm mua bán phụ nữ trẻ em (giờ là Đội mua bán người), khi công an Hà Tây và Hà Nội sáp nhập năm 2008. Mọi việc với Quân lúc này gần như con số 0 bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Dù mới tham gia đội được ít năm nhưng cảnh sát 32 tuổi này tự hào khoe phần lớn các chuyên án quan trọng đều được tham gia.

Một ngày cuối tháng 3/2011, một phụ nữ mặc áo mưa trùm kín mặt đến gõ cửa Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em. Trong bản tường trình dài hơn bốn mặt giấy thấm đẫm nước mắt, người mẹ trẻ trình báo về việc con gái mình là cháu V (sinh năm 1997, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng lừa bán sang Trung Quốc. Manh mối duy nhất là cháu V đã gọi điện được về nhà nhưng không xác định được chính xác mình đang ở đâu trên đất bạn. Cháu chỉ cung cấp cho gia đình những nick name được nhóm đối tượng sử dụng trên mạng.

“Thông qua nick name này, sau suốt một tháng trời ròng rã, anh em đã xác định được một đối tượng tình nghi có tên là Tý (tên thật là Nguyễn Dương Hoàng Phi, sinh năm 1997, ở bãi rác Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Tý chính là người trực tiếp 'chat' với cháu V và lừa cháu để bán,” Thượng úy Quân cho hay.

Ngày 21/4/2011, lực lượng cảnh sát đã bao vây nhà Phi, bắt khẩn cấp đối tượng chưa đầy 14 tuổi này và dần vén bức màn bí ẩn liên quan đến sự mất tích đột ngột của cháu V. Đấu tranh với Phi và nắm rõ quy luật hoạt động của đường dây, ngay trong đêm này, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng “Hoàng,” tên thật là Vũ Văn Ca (sinh năm 1989, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Đây chính là đối tượng đầu vụ đã cấu kết với Phi lên kế hoạch dụ dỗ, lừa bán cháu V sang Trung Quốc.

Thêm hai ngày đấu tranh và câu nhử với nhóm “đầu nậu” buôn người bên kia biên giới, tổ công tác Đội 12 đã phục kích, đón lõng hai nữ “tú bà” đang trở lại Việt Nam  là Lê Thị Toan (sinh năm 1989, ở Thường Tín, Hà Nội) và Bùi Bích Tường (sinh năm 1972, ở Hạ Hòa, Phú Thọ).

Chuyên án chỉ kết thúc khi bằng nhiều kênh thông tin, Thượng úy Quân và đồng đội đã hướng dẫn nạn nhân xác định vị trí đang ở, đồng thời phối hợp với Interpol và Cảnh sát Trung Quốc tổ chức giải cứu nạn nhân thành công.

“Đây là chuyên án thành công bởi chúng tôi đã phá được toàn bộ một đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc,” Thượng úy Quân cho hay.

Được dư luận cả nước biết đến nhiều nhất phải kể đến chuyên án giải cứu cháu bé sơ sinh bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đầu tháng 11/2011 khi vừa đi tuần trăng mật về, anh được cấp trên giao "cầm trịch" hồ sơ vụ án đang gây xôn xao dư luận này. Do tính chất nghiêm trọng của sự việc chưa từng xảy ra tại cơ sở sản khoa hàng đầu của cả nước trong hàng chục năm qua, Quân và nhiều đồng đội trong Phòng hình sự nhiều đêm thức trắng để rà soát thông tin, lần tìm manh mối.

Sau gần một tuần, hung thủ gây ra vụ án nghiêm trọng là Nguyễn Thị Lệ đã bị bắt giữ. Là người trực tiếp lấy lời khai của đối tượng này, Thượng úy Quân cho hay, ban đầu đối tượng rất quanh co lỳ lợm, nhưng cũng không thể qua mắt được cơ quan chức năng.

Với những chiến công đạt được, Thượng uý Phạm Hồng Quân đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 1 bằng khen của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội; được Giám đốc CATP công nhận Người tốt, việc tốt quý II, quý III-2011; là 1 trong 10 Gương mặt trẻ C xuất sắc tiêu biểu năm 2011; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2011; Đảng viên trẻ tiêu biểu Thủ đô 2012.

Đặc biệt, Thượng uý Quân cũng vinh dự được nằm trong 20 gương mặt được Bộ Công an tuyên dương: “Thanh niên Công an tiêu biểu làm theo lời Bác: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” năm 2012 vào ngày 17 và 18-8-2012./.

Hồng Thúy - Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục