Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Khi U60 bước sang chặng đường mới

“Một phụ nữ U60 khi bước sang chặng đường mới cũng thấy háo hức, phấn chấn lắm,” nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh say sưa, mê mải nói về những kế hoạch, dự định tương lai.
Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Khi U60 bước sang chặng đường mới ảnh 1Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh (trái) trong vở kịch "Quẫn." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh đã khép lại chặng đường… công chức. Dẫu vậy, chị chưa hề có ý định nghỉ ngơi!

Gặp Lê Khanh những ngày này, giữa bộn bề nỗi lo (khép lại năm cũ với quãng đường dài miệt mài gắn bó, tận hiến cho sân khấu kịch) để bước sang năm mới với hành trình mới, sau tiếng thở phào nhẹ nhõm, lại thấy chị như đang cố nén tiếng thở dài đầy ưu tư…

Nghỉ hưu là “xách valy lên và đi”

- Dường như, từ khi về hưu, nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh còn bận rộn hơn trước đây?

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Đúng là tôi mới gia nhập “đội hình” hưu trí được một thời gian nhưng đó chỉ là thủ tục giấy tờ hành chính. Còn với tôi, nghệ sỹ thì không có chuyện nghỉ hưu. Mẹ tôi vẫn đến phim trường khi đã 80 tuổi. Giống như mẹ, tôi vẫn sẽ hoạt động nghệ thuật cho đến khi nào còn duyên và còn sức khỏe.

Thực tế có khác chăng bây giờ, mình là người tự do, không còn vướng bận chuyện quản lý nên sẽ chủ động thời gian để lựa chọn những dự án, vai diễn… thực sự hứng thú [trước khi nghỉ hưu, nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh đảm nhận cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - PV].

Trước đây, tôi không thể “hứng lên” thì kéo valy đi nhưng bây giờ thì khác. Toàn bộ thời gian, tâm sức có thể dồn hết cho nghệ thuật. Trước đây, vì không thu xếp được thời gian nên tôi đã phải từ chối rất nhiều dự án nghệ thuật thú vị, lựa chọn giữa sân khấu và điện ảnh, truyền hình. Một phụ nữ U60 khi bước sang chặng đường mới cũng thấy háo hức, phấn chấn lắm!

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Khi U60 bước sang chặng đường mới ảnh 2Vẻ tươi trẻ, rạng rỡ của nghệ sỹ Lê Khanh ngoài đời thường. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

- Cuối năm vừa rồi, chị trở lại màn ảnh với vai người phụ nữ với phong cách trẻ trung, hài hước và hiện đại trong bộ phim truyền hình “Mẹ ơi, bố đâu rồi!”. Cảm giác của chị thế nào khi tái xuất phim trường sau gần 10 năm vắng bóng?

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Tôi thấy mình được trẻ hóa và cảm thấy mình cần học hỏi thêm rất nhiều. Nói khác đi, dù chưa tới mức lạc nhịp, tụt hậu nhưng tôi thấy mình cần thay đổi, trau dồi thêm nhiều kỹ năng để bắt kịp xu thế, yêu cầu hiện nay. Tôi cho rằng, nếu cứ sống và làm nghề theo kiểu “ăn mày dĩ vãng,” bằng lòng với chính mình thì khán giả sẽ không đón nhận nữa.

[Nghệ sỹ Anh Tú: Mọi ngả đường đều dẫn về… chốn cũ]

Lần đầu tiên đóng cặp cùng nghệ sỹ Hoàng Sơn, tôi học được ở anh cách diễn tự nhiên, tưng tửng, rất đời. Ngoài ra, các bạn diễn viên trẻ truyền cho tôi sự tươi vui, lạc quan.

Trước đây, vì không đủ thời gian và sức lực nên tôi buộc phải lựa chọn. Để có thể đi đến tận cùng đam mê với sân khấu, tôi phải tạm xa phim trường. Nhiều lúc, đi trên đường, nhìn thấy đoàn làm phim nào đó, tôi thấy buồn, bứt rứt lắm nên phải quay đi chỗ khác. Có người không hiểu vẫn bảo tôi chảnh, mắc bệnh ngôi sao, tự nghĩ mình là nghệ sỹ có tên tuổi nên “lướt” qua anh em, đồng nghiệp.

Đi tìm giới hạn của bản thân

- Sau khoảng bốn thập kỷ gắn bó với sân khấu, điều gì khiến chị trăn trở nhất cho đến nay?

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy cuộc sống, sự nghiệp của mình khá có duyên với cột mốc 10 năm. Tôi bắt đầu đến với sân khấu từ năm 15 tuổi, miệt mài học, rèn nghề khoảng 10 năm. Sau đó, điện ảnh, truyền hình cuốn tôi đi theo hành trình chừng một thập kỷ.

Khi trở lại với sân khấu, trong 10 năm tiếp theo, tôi dồn sức cho những vai diễn; để tới lúc bắt đầu khoác trên mình “chiếc áo” khác (đạo diễn), tôi lại bắt đầu một chặng đường 10 năm mới.

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Khi U60 bước sang chặng đường mới ảnh 3Nghệ sỹ Lê Khanh (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp ở Nhà hát Tuổi Trẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau chừng ấy thời gian làm nghề, điều khiến tôi trăn trở nhất hiện nay là vấn đề đào tạo thế hệ diễn viên kế cận cho sân khấu. Tôi từng làm việc với nhiều đạo diễn người nước ngoài và cảm thấy khá chạnh lòng khi họ bày tỏ sự ngạc nhiên trước thực trạng chất lượng diễn viên Việt Nam hiện nay. Họ bất ngờ khi diễn viên kịch thì chỉ biết diễn kịch, không thể ca hát, nhảy múa hay có thêm những tài lẻ khác. Trong khi đó, xu hướng hiện nay là nghệ sỹ phải đa năng.

Ở ta, diễn viên kịch nói thì không biết hoặc biết rất ít về các loại hình sân khấu truyền thống và ngược lại. Trong khi đó, để tạo được dấu ấn riêng cho vở diễn khi tham gia các sân chơi quốc tế, các đạo diễn có xu hướng quay trở lại khai thác những yếu tố dân gian, truyền thống. Ở góc độ khác, sân khấu truyền thống cũng có xu hướng hiện đại hóa chính mình để tiếp cận và chinh phục khán giả hiện nay.

- Khi Lê Khanh trở thành đạo diễn, không ít ý kiến (cả của giới trong nghề và khán giả) bày tỏ tỏ sự tiếc nuối vì họ mất đi một Lê Khanh - diễn viên đỉnh cao (với những vai diễn ám ảnh về thân phận người phụ nữ, thể hiện chiều sâu, sức nặng tâm lý mà cho đến nay vẫn chưa ai có thể thay thế) để đổi lấy một Lê Khanh - đạo diễn tầm trung. Chị nghĩ sao về điều này?

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Nếu sợ mất hình ảnh thì tôi đã không làm vậy; hoặc khi dấn bước rồi, tôi sẽ dừng lại. Với nghệ thuật, mỗi người sẽ có những cảm nhận, đánh giá riêng. Còn tôi, tôi muốn thử thách giới hạn của bản thân.

Cũng giống như việc tôi đã từng tham gia diễn hài kịch. Vào những năm 1990, khi chuỗi hài kịch Đời Cười của Nhà hát Tuổi Trẻ nở rộ, tôi cũng tham gia diễn. Tuy nhiên, sau vài ba số, tôi nhận thấy mình không hợp, không thể làm được nên đã chủ động dừng lại.

Ngay từ khi tôi mới trình bày nguyện vọng thi vào lớp đạo diễn, thầy Nghi [cố đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Đình Nghi - PV] cũng bày tỏ sự băn khoăn, âu lo. Tôi đã thuyết phục thầy rằng, cô học trò của thầy muốn ra khỏi vùng an toàn, nếu thực sự không thể làm được thì sẽ chủ động dừng lại.

Người nói tôi liều, người bảo tôi hâm… nhưng những bàn luận ấy không gây ảnh hưởng gì tới tâm lý tôi cả. Suốt thời gian qua, tôi nỗ lực đi theo lối dàn dựng thiên về cách kể, lối dẫn chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng thấm thía, để tạo ra sự sâu lắng cho những vở tôi dựng. Những kịch bản hay, những vai diễn có tính cách, số phận sẽ giúp diễn viên trưởng thành rất nhanh dù có thể khó và lâu được khán giả đón nhận hơn so với những vở theo thị hiếu giải trí. Đó là quan điểm làm nghề của tôi!

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Khi U60 bước sang chặng đường mới ảnh 4Sau thời gian dài vắng bóng, năm 2018, nghệ sỹ Lê Khanh tái ngộ khán giả màn ảnh nhỏ trong bộ phim truyền hình "Mẹ ơi, bố đâu rồi." (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

- Vậy là Lê Khanh không hề lãng đãng, mơ màng như nhiều người vẫn nói. Ngược lại, bên cạnh vẻ dịu dàng, đằm thắm, Lê Khanh cũng rất quyết đoán với những tính toán cụ thể từng bước đi trong sự nghiệp.

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Nếu không lãng đãng, mơ màng thì không thể làm nghệ thuật được đâu! Thế nhưng, nếu lúc nào cũng “tâm hồn treo ngược cành cây” thì không ổn. Khi làm nghề đến một giai đoạn nhất định, mình không thể chỉ nghĩ đến bản thân, những hào quang cho riêng mình.

Nói là tôi tính toán bước đi cụ thể bằng cái đầu lạnh thì không hẳn. Do xuất thân trong một gia đình có nhiều thế hệ làm nghệ thuật, được tiếp xúc và sống trong môi trường nghệ thuật sớm nên tôi cũng biết sợ từ sớm: sợ bị chê trách, sợ làm những người tin yêu mình thất vọng, sợ chỉ vì mình mà hỏng cả tác phẩm của tập thể… Bởi thế, tôi cứ dò dẫm, đi chậm từng bước, vừa làm vừa học. Mọi danh xưng đều không thể ru tôi ngủ quên.

- Vậy trong thời gian tới, công chúng sẽ gặp chị ở đâu nhiều hơn: sân khấu, màn ảnh hay giảng đường?

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh: Thật khó để đưa ra một tỷ lệ cụ thể nhưng tôi vẫn sẽ là một diễn viên Lê Khanh, một cô giáo Lê Khanh, một đạo diễn Lê Khanh… Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, tôi sẽ xuất hiện trên màn ảnh nhiều hơn.

- Trân trọng cảm ơn chị!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục