Sáng 22-10, Nghệ sỹ nhân dân, võ sư Lý Huỳnh qua đời tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh sau nhiều năm bệnh nặng.
Nghệ sỹ nhân dân, võ sư Lý Huỳnh sinh năm 1942, tại Vĩnh Long, tên thật là Lý Kim Tuyền. Thời trẻ, ông nổi tiếng với khả năng thực hiện "Liên hoàn bát cước" (tung người đá 8 cước trên không) vô cùng đẹp mắt và điêu luyện.
Từ cuối những năm 50 đến giữa những năm 60, võ sư Lý Huỳnh thắng nhiều trận quyền anh, trong đó có trận thắng trước Lyauté Francoise, một võ sỹ da đen vô địch quân đội Pháp. Ngoài ra, ông còn từng giành phần thắng trước các võ sỹ nổi tiếng bấy giờ như Anh Thạch, Mạch Trung Phương...
Năm 1965, võ sư Lý Huỳnh mở lò võ Huỳnh Tiền trứ danh đất Sài Gòn, nhiều võ sư giỏi đã thành công từ đây đều lấy hai chữ "Lý Huỳnh" vào tên mình, như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến...
Cùng với ba võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành, Nguyễn Xuân Bình và Trần Xil, Lý Huỳnh được vinh danh vì thành tích trong việc đào tạo các võ sỹ tài năng, tạo thành "Nam kỳ tứ tú" (bộ bốn ngôi sao của Nam kỳ).
Bên cạnh những thành tựu về chuyên môn, ông còn để lại dấu ấn sâu sắc, khối di sản điện ảnh khi là một trong những võ sư hiếm hoi đưa võ thuật lên màn ảnh bấy giờ.
Sau năm 1975, Lý Huỳnh tiếp tục đóng phim và được mến mộ trong vai trò diễn viên qua nhiều vai diễn ấn tượng trong Con mèo nhung, Đứa con bị từ chối, Cô Nhíp, Mùa gió chướng, Mối tình đầu...
Đặc biệt, vào cuối những năm 80, khi điện ảnh trong trào lưu đổi mới với các bộ phim theo môtíp kiếm hiệp tình cảm Hong Kong, Đài Loan thời đó, võ sư- nghệ sỹ Lý Huỳnh và con trai ông là võ sư-nghệ sỹ Lý Hùng đã "làm mưa làm gió" tại các rạp chiếu phim trong cả nước với những bộ phim ăn khách một thời như Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái, Thăng Long đệ nhất kiếm, Nước mắt học trò, Tây Sơn hào kiệt…
Nghệ sỹ Lý Huỳnh đam mê những vai diễn võ sỹ trên màn ảnh, trước khi đóng phim, ông luôn tìm hiểu vai diễn một cách sâu sắc và kỹ lưỡng nhất, lắng nghe bản năng mình để tự đưa cái tôi của người võ sỹ vào và đồng cảm với vai diễn đó.
Một câu chuyện nổi tiếng khác người ta thường kể đến khi nhắc đến ông là việc ông từng thách đấu công khai huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long trên sóng truyền hình vào năm 1972. Báo chí hai nước nhiều lần đăng tải thông tin này, nhưng không may, huyền thoại người Hong Kong qua đời trước khi hai võ sư có dịp giao đấu.
Khi không còn đóng phim, nghệ sỹ Lý Huỳnh chuyển sang vai trò đạo diễn và sản xuất phim cùng gia đình. Tới khi nghỉ hưu, ông giao công việc lại cho hai con là nghệ sỹ Lý Hùng và con gái Lý Hương quản lý.
Với những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, năm 1993 Lý Huỳnh đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú và đến năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân./.