Nghị viện Pháp tranh luận về kế hoạch cải cách lương hưu

Chính phủ muốn thông qua luật cải cách lương hưu với sự giúp đỡ của các đồng minh cánh hữu trong khi những người phản đối bên phe cánh tả đã đệ trình hàng nghìn sửa đổi trước buổi thảo luận.
Nghị viện Pháp tranh luận về kế hoạch cải cách lương hưu ảnh 1Người dân tham gia đình công phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên họp ngày 6/2, Nghị viện Pháp đã tranh luận về kế hoạch cải cách lương hưu mà Tổng thống nước này Emmanuel Macron quyết tâm thực hiện.

Phiên họp diễn ra một ngày trước cuộc đình công quy mô lớn nhằm phản đối kế hoạch trên.

Kế hoạch cải cách - trong đó đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, cũng như tăng các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ, là chính sách đối nội chính mà Tổng thống Macron thúc đẩy trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của mình.

Chính quyền của Tổng thống Macron đã thể hiện quyết tâm thực hiện, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phe đối lập và các đoàn thể, cũng như của đông đảo công chúng.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt cho rằng hệ thống lương hưu đang bị thâm hụt và điều này cần được khắc phục. Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp, nhiều người đã bày tỏ phản đối.

Chính phủ Pháp hiện nay muốn thông qua luật với sự giúp đỡ của các đồng minh cánh hữu. Chính phủ cũng đang cố gắng tránh sử dụng điều khoản 49.3 của Hiến pháp - một điều khoản cho phép tự động thông qua luật mà không cần bỏ phiếu, do việc tiến hành động thái này có thể kéo theo các cuộc biểu tình. Những người phản đối bên phe cánh tả đã đệ trình hàng nghìn sửa đổi trước buổi thảo luận ngày 6/2 của Nghị viện Pháp.

[Thủ tướng Pháp nhượng bộ trong vấn đề cải cách lương hưu]

Trong khi đó, các tổ chức công đoàn đang kêu gọi đình công và tuần hành vào ngày 7 và 11/2. Nghiệp đoàn SNCF cho biết họ sẽ tránh đình công vào cuối tuần hoặc ngày lễ tại một số khu vực.

Các nhà quản lý vận tải Paris cảnh báo nguy cơ "gián đoạn nghiêm trọng" trong giao thông đường sắt và tàu điện ngầm trong ngày 7/2, trong khi sân bay Orly ở phía Nam thủ đô dự kiến phải hủy 20% số chuyến bay. Nghiệp đoàn CGT kỳ vọng các cuộc biểu tình có thể gây ảnh hưởng, khiến các đại diện chính phủ phải cân nhắc hơn ý kiến của đông đảo quần chúng.

Theo ước tính của lực lượng cảnh sát, cuộc biểu tình diễn ra tuần trước có sự tham gia của khoảng 1,3 triệu người trên cả nước, trong khi các nghiệp đoàn cho biết con số thực tế là 2,5 triệu người. Đây cũng là cuộc đình công quy mô lớn lần đầu tiên, có sự tham gia của tất cả các công đoàn tại Pháp trong 12 năm qua.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã đề nghị điều chỉnh kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu, theo đó cho phép những người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ được nghỉ hưu sớm. Động thái này của Thủ tướng Borne được cho là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các nghị sỹ bảo thủ trong quốc hội đối với kế hoạch cải cách lương hưu.

Nỗ lực gần nhất của Tổng thống Macron nhằm cải cách lương hưu trong năm 2019 đã bị hủy bỏ một năm sau đó khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại châu Âu. Điều này dẫn tới hoạt động đình công kéo dài chưa từng có trong 3 thập niên, gây gián đoạn mạng lưới giao thông ở thủ đô Paris./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục