Kế hoạch cải cách lương hưu ở Pháp thổi bùng làn sóng đình công

Dù hoan nghênh sự cởi mở của chính phủ Pháp trong quá trình đàm phán cải cách lương hưu, song các nghiệp đoàn đều phản đối đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu, cho rằng cải cách này "không công bằng."
Kế hoạch cải cách lương hưu ở Pháp thổi bùng làn sóng đình công ảnh 1Tuần hành tại thủ đô Paris, Pháp, phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ ngày 19/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nước Pháp đang đối mặt với nguy cơ nổ ra các cuộc đình công mới với quy mô lớn phản đối kế hoạch cải cách lương hưu do Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy.

Các cuộc thăm dò trước đó cho thấy đa số cử tri Pháp phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, trong đó đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, cũng như tăng các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ.

Sau cuộc đình công quy mô lớn với hơn 1 triệu người lao động tham gia hôm 19/1, Chính phủ Pháp đã phát đi tín hiệu cho thấy có thể điều chỉnh một số biện pháp, bao gồm các ưu đãi đặc biệt dành cho những người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ, tăng hỗ trợ dành cho những bà mẹ phải nghỉ việc để chăm con hoặc những người mong muốn nâng cao trình độ học vấn.

Tuy nhiên, điều khoản về nâng độ tuổi nghỉ hưu không được đưa ra thảo luận. Thủ tướng Elizabeth Borne ngày 29/1 khẳng định "hiện đây không phải vấn đề có thể đàm phán."

Dù hoan nghênh sự cởi mở của chính phủ trong quá trình đàm phán về các điều khoản của kế hoạch cải cách trên, song các nghiệp đoàn đều phản đối đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu, cho rằng cải cách này là "không công bằng."

8 nghiệp đoàn lớn tại Pháp đã lên kế hoạch cho cuộc đình công mới vào ngày 31/1.

[Pháp: Phản đối cải cách lương hưu, đình công quy mô lớn tại Pháp]

Chính phủ Pháp ước tính 1,1 triệu người lao động có thể tham gia 240 cuộc đình công trên khắp cả nước vào ngày 31/1, trong khi các nghiệp đoàn cho biết con số này có thể lên đến hơn 2 triệu người, với nguy cơ cao dẫn đến gián đoạn giao thông, cũng như hoạt động của trường học và cơ quan hành chính.

Một số chính quyền địa phương đã thông báo việc tạm đóng cửa các không gian công cộng như sân vận động.

Giới quan sát nhận định, đối với Tổng thống Macron, cuộc đình công lần này như phép thử đối với khả năng tiến hành cải cách và giữ chi tiêu công trong tầm kiểm soát.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), là một trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp trong nhóm các nước công nghiệp, Pháp đang chi gần 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào trợ cấp lương hưu, nhiều hơn phần lớn những nước khác.

Việc điều chỉnh hệ thống trợ cấp hưu trí là trọng tâm trong chương trình cải cách của Tổng thống Macron khi ông lên nắm quyền vào năm 2017.

Tuy nhiên, ông đã tạm hoãn thúc đẩy kế hoạch này vào năm 2020 khi Pháp phải ứng phó với đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục