Nghịch lý: Đầu tư tốt nhưng nhiều bệnh viện tư vẫn dưới tải

Trong những năm qua khối bệnh viện tư nhân đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, nhiều bệnh viện tư nhân Việt Nam vẫn hoạt động dưới tải.
Nghịch lý: Đầu tư tốt nhưng nhiều bệnh viện tư vẫn dưới tải ảnh 1Các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec thực hiện một ca phẫu thuật phức tạp cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, trong những năm qua khối bệnh viện tư nhân đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, khối bệnh viện tư nhân Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Nhiều bệnh viện đã không đáp ứng được những mong muốn chính đáng của các nhà đầu tư gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả của công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Thậm chí, một số bệnh viện đã phải dừng hoạt động.

Thông tin trên được ông Đệ đưa ra tại Đại hội Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014-2019 diến ra sáng 26/8, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Đệ cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực y tế của Đảng, Nhà nước… nhiều doanh nhân đã tích cực, chủ động bỏ vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng bệnh viện, chia sẻ trách nhiệm với hệ thống bệnh viện công. Vì vậy, đến nay khối bệnh viện tư nhân đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn cả nước có gần 170 bệnh viện tư nhân, trong đó nhiều bệnh viện có quy mô lớn từ 400-500 giường bệnh như: Bệnh viện Vinmec, IGTO, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực… với tổng số khoảng 45.000 giường nội trú.

Một số bệnh viện tư nhân đã thực hiện được nhiều ca kỹ thuật cao như; can thiệp tim mạch, mổ não, cột sống, lồng ngực nuôi cấy tế bào gốc… cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo mà trước đây phải chuyển lên tuyến trung ương, giảm đáng kể chi phí đi lại ăn ở, điều trị và làm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.

Theo vị đại diện của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, dù được đầu tư rất lớn cả về quy mô và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhưng hiệu suất sử dụng của một số bệnh viện tư chưa đạt như kỳ vọng, việc nắm bắt và chấp hành chính sách, pháp luật còn chưa kịp thời. Các bệnh viện tư đang làm việc dưới tải nhưng lại không có chuyện bệnh viện công chuyển tuyến bệnh viện sang bệnh viện tư.

Bên cạnh đó, bệnh viện tư rất cần sự phối hợp chuyên môn của các bác sỹ giỏi, có chuyên môn sâu hiện đang làm việc tại các bệnh viện công để thực hiện những ca mổ khó, mà phạm vi chuyên môn bệnh viện tư nhân chưa đảm nhiệm được. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp này đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt trong thủ tục hành chính.

Theo đại diện của các bệnh viện tư nhân, từ những khó khăn trên, cần thiết phải có một tổ chức Hiệp hội ra đời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các bệnh viện tư.

Ngày 11/6/2014, Bộ Nội Vụ đã có quyết định cho phép thành lập Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò của khối bệnh viện tư nhân đối với sự nghiệp phát triển y tế trong thời gian tới.

Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam ra đời sẽ là nơi để các hội viên của các bệnh viện cùng nhau trao đổi kinh nghiệm đầu tư, quản lý bệnh viện, nâng cao nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nâng cao hoạt động và chất lượng khám chữa bệnh…

Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 27 người và bước đầu hội có 153 thành viên. Ông Nguyễn Văn Đệ được bầu là Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục