Nghịch lý mất tiền oan chỉ vì thương hiệu "nhái"

Nắm bắt tâm lý thích "sính" đồ hiệu, giới kinh doanh đã kịp nắm bắt cơ hội này để tung ra những đồ hiệu "nhái" đánh lừa người tiêu dùng.
Độc-đẹp-đắt là một "quy ước" ngầm trong giới chơi đồ hiệu, bởi vì, nếu bị "đụng hàng" là điều "xúc phạm" của những đệ tử hàng hiệu. Đôi khi họ phải dốc những đồng tiền cuối cùng đi tìm kiếm sự sang trọng và chỉ cốt để được công nhận là... sành điệu. Vì vậy, giới kinh doanh đã kịp nắm bắt cơ hội này để tung ra những đồ hiệu "nhái" đánh lừa người tiêu dùng.

Dạo qua các cửa hàng thời trang ở Hà Nội từ mức trung bình đến khá đều có bán các loại quần áo hiệu Esprit, Lascote, Guess... Tất cả các loại quần áo này đều có giá từ hơn 100.000 đồng cho đến vài trăm nghìn đồng.

Với giá như vậy, dường như ai cũng biết là không thể mua nổi bất cứ một sản phẩm chính hãng có uy tín quốc tế nào. Tuy nhiên, người mua vẫn có thể mua được những chiếc áo hàng hiệu "nhái" với giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Ở shop S”sister tại Hàng Gà, một địa chỉ mua sắm thuộc loại “khá” ở Hà Nội, các món "hàng hiệu" không có giá dưới 1 triệu đồng. Từ quần áo, túi xách cho đến giầy dép, tất cả đều mang các thương hiệu nổi tiếng và có giá tiền triệu trở lên.

Túi mang nhãn của hãng Bebe được nhân viên chào bán giá 4 triệu đồng với lời giời thiệu "hàng nhập từ Mỹ." Nhưng khi được hỏi tại sao túi Bebe được quảng cáo là “hàng chính hãng” mà lại có mác Made in China, nhân viên của shop cho biết, 100% hàng Bebe mang từ Mỹ về đều có mác "Made in China."

Và lời giải thích mà hầu như khách hàng nào cũng được nghe thường là một điệp khúc như sau: "Nhãn Made in China vì người sản xuất là người Trung Quốc, nhưng xưởng lại nằm ở Mỹ. Đồ mang thương hiệu Bebe bán ở Mỹ cũng toàn Made in China cả?!"

Không thừa nhận túi xách Bebe là hàng giả, nhưng với một chiếc túi mang thương hiệu Louis Vuiton giá 1,7 triệu đồng, khi được thắc mắc túi Louis Vuitton ở cửa hàng chính hãng đều có giá từ 1.000 USD trở lên thì nhân viên bán hàng thừa nhận, đây là hàng nhái, nhưng là “nhái nước một,” "nhái... xịn."

Dạo qua thị trường "hàng hiệu" hiện nay ở Hà Nội mới thấy rằng, dù nhiều người có thừa sự sành điệu để vung tiền mua hàng hiệu, nhưng không phải ai cũng có đủ hiểu biết để phân biệt hàng hiệu xịn hay hàng hiệu "nhái." Chính vì tiêu chí "hàng độc" luôn ám ảnh "dân chơi" nên những hàng hiệu được bán chính hãng nhiều khi chưa thực sự hấp dẫn bởi vì có thể dễ "đụng hàng."

Nắm bắt được tâm lý này, rất nhiều cửa hàng trưng hẳn biển hiệu "hàng xách tay" như một sự cam kết về mặt hàng mang "serie 102" (chỉ có một không hai). Không ít những thương hiệu xa xỉ đã được xách tay về từ các chợ chuyên doanh đồ nhái ở... Trung Quốc.

Không chỉ giới trẻ bị cuốn hút vào hàng hiệu, mà giới trung niên thành đạt cũng không chịu kém cạnh trong cuộc chơi này. Không "ngầu" như Levi's, không hip-hop với D&G, DKNY, không bóng bẩy cùng Giordano hay Tommy, nhưng những người ở tuổi 5X lại bị mê hoặc bởi sự lịch lãm, sang trọng của những Lacoste, Givenchy hay Valentino.

Một thương lái chuyên "đánh" hàng từ Trung Quốc về Việt Nam quả quyết: "Không có một thương hiệu nào nổi tiếng trên thế giới mà người Trung Quốc không làm được. Valentino, Milano, Versace, Louis Vuiton, Gucci... tất cả đều cực kỳ nuột nà và y chang hàng hiệu 100% từ đường kim mũi chỉ."

Áo sơ mi hiệu Tommy được bán với giá từ 55-60 NDT/chiếc (khoảng 110.000-120.000 đồng), nếu mua 20 cái trở lên. Còn giá bán lẻ là 170 NDT/chiếc. Thắt lưng hiệu Louis Vuiton giá bán buôn 80 NDT/chiếc, bán lẻ 120 NDT/chiếc.

Trong khi cũng mặt hàng này tại shop đồ hiệu ở Việt Nam ít nhất 100 USD/chiếc. Có thể mua các loại đồ này chưa có nhãn mác, sau đó thích đóng mác hiệu gì thì sẽ gắn mác hiệu đó lên. Khi về đến Việt Nam, được "cưng chiều" trong những tủ kính long lanh, chúng sẽ nhiễm nhiên trở thành những món đồ "xách tay" có xuất xứ đảm bảo 100% từ Pháp, Ý, Mỹ và giá trị cũng vì thế mà được nâng lên vài chục lần cho "xứng đáng" với người sở hữu - một chủ buôn hàng hiệu "nhái" tiết lộ.

Thực chất, việc mua hàng hiệu chính là “mua giá trị thương hiệu.” Cùng với mức sống ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu quan tâm đến loại hàng này. Rất nhiều thương hiệu trong lĩnh vực may mặc như Việt Tiến, An Phước, Ninomax… đang đưa ra những dòng sản phẩm định vị thương hiệu và cũng có mặt trong các trung tâm thương mại lớn bên cạnh những “ông lớn” về thời trang. Nhưng dường như chưa đủ sức thuyết phục người tiêu dùng.

Đánh giá một cách công bằng, một số mặt hàng cao cấp của các doanh nghiệp Việt Nam nếu đem so về chất liệu cũng không thua kém hàng hiệu bao nhiêu, nhưng để người tiêu dùng chấp nhận thì trước mắt hàng Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường gian nan.

Trong khi đó, những mặt hàng "nhái" các thương hiệu nổi tiếng vẫn được không ít người tiêu dùng xài một cách "nhiệt tình." Nghịch lý mất tiền oan cho những thương hiệu "nhái" của người tiêu dùng và con đường khẳng định vị thế của các thương hiệu Việt vẫn đang chờ những lời giải./.

Đỗ Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục