Nghiên cứu gene bạch tuộc giúp cảnh báo nguy cơ tan băng ở Nam cực

Nghiên cứu về sự pha tạp gene cho thấy khối băng Tây Nam cực tan chảy ở 2 thời điểm riêng biệt, lần đầu tiên cách đây 3-3,5 triệu năm và lần gần nhất cách đây 129.000-116.000 năm.

Băng trôi tại Vịnh Chiriguano ở Nam Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Băng trôi tại Vịnh Chiriguano ở Nam Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nghiên cứu gene của loài bạch tuộc sống ở vùng nước lạnh giá tại Nam cực có thể giúp tìm hiểu xem các tảng băng ở Nam cực nứt vỡ và tan chảy như thế nào cách đây hàng triệu năm, từ đó dự báo về sự tan chảy của các tảng băng ở vùng cực này hiện nay.

Đây là cách tiếp cận mới đầy sáng tạo của các nhà nghiên cứu Australia.

Theo phân tích mới công bố trên tạp chí Science ngày 21/12, các quần thể sinh vật biển 8 chi bị cô lập về mặt địa lý đã giao phối tự do vào khoảng 125.000 năm trước, điều này có nghĩa là khu vực không có băng trong thời kỳ nhiệt độ toàn cầu tương tự như hiện nay.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khối băng Tây Nam cực (WAIS) có thể tan chảy sớm hơn dự báo trước đây, khiến mực nước biển có nguy cơ dâng cao khoảng từ 3,3-5m trong thời gian dài nếu thế giới không thể giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức mục tiêu 1,5 độ C như đã cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà sinh học Sally Lau thuộc Đại học James Cook ở Australia, cho biết các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ADN và đặc tính sinh học của bạch tuộc Turquet, "ứng cử viên" lý tưởng để nghiên cứu WAIS vì loài này rất phổ biến tại Nam cực và thông tin cơ bản về loài này đã được khoa học chứng minh.

Bạch tuộc Turquet có tuổi thọ 12 năm và xuất hiện cách đây khoảng 4 triệu năm. Dài khoảng 15cm (không tính xúc tu) và nặng khoảng 6 lạng, bạch tuộc Turquet sinh sản khá ít nhưng để trứng to, ở dưới đáy biển.

Điều này có nghĩa là bạch buộc bố mẹ phải nỗ lực đáng kể để đảm bảo trứng nở - tức là không được phép di chuyển quá xa. Chúng cũng bị giới hạn bởi các dòng hải lưu hình tròn và môi trường sống của chúng.

Bằng cách giải trình tự ADN trên bộ gene của 96 con bạch tuộc được đánh bắt ngẫu nhiên và được lưu trữ trong suốt 33 năm, nhà nghiên cứu Lau và các đồng nghiệp đã phát hiện bằng chứng về các tuyến đường biển xuyên Tây Nam Cực từng nối liền biển Weddell, biển Amundsen và biển Ross.

Nghiên cứu về sự pha tạp gene cho thấy WAIS tan chảy ở 2 thời điểm riêng biệt, lần đầu tiên cách đây 3-3,5 triệu năm và lần gần nhất cách đây 129.000-116.000 năm, thời điểm nhiệt độ Trái Đất ấm hơn khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong khi đó, hoạt động của con người hiện nay, chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch, đã làm nhiệt độ toàn cầu tăng 1,2 độ C so với cuối những năm 1700.

Trước nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science này, từng có một số nghiên cứu cho rằng WAIS đã tan chảy khi nhiệt độ Trái Đất tương tự như hiện nay, cho thấy khả năng WAIS tan chảy lại sắp xảy ra.

Giới khoa học từng cảnh báo nếu nước biển dâng cao 3,3m sẽ làm thay đổi đáng kể bản đồ thế giới, nhấn chìm các khu vực ven biển trũng thấp ở mọi nơi trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục