Ngoại giao "Con đường Tơ lụa" của Trung Quốc ở Kazakhstan

Sáng kiến "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) là những thành phần chính của "Giấc mơ Trung Hoa" do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất.
Ngoại giao "Con đường Tơ lụa" của Trung Quốc ở Kazakhstan ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại lễ đón Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (phải) ở Bắc Kinh ngày 11/9/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, nhà khoa học chính trị người Mỹ Joseph Nye nói rằng quyền lực mềm là khả năng "khiến người khác muốn cái mà bạn muốn."

Việc triển khai sức mạnh thời bình không chỉ có nhà nước, mà còn có các trường đại học, các quỹ giáo dục và từ thiện, các tổ chức tôn giáo và văn hóa, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị kinh doanh và thương mại.

Trung Quốc có sức mạnh địa chính trị to lớn để có thể gây ảnh hưởng trên khắp lãnh thổ rộng lớn với dân số đông đảo của họ.

Quốc gia này có một lực lượng lao động có tay nghề, một tầng lớp trung lưu lớn, cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khả năng sản xuất, các lực lượng quân sự, một hệ thống chính trị thống nhất, một truyền thống văn hóa mạnh và sự ổn định chính trị.

Sáng kiến "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) là những thành phần chính của "Giấc mơ Trung Hoa" do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất.

Những sáng kiến này thúc đẩy khả năng sản xuất vật chất ở trong nước và xác thực tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo.

Các cải cách kinh tế kèm theo sẽ đem lại sự phát triển thông qua việc tái xây dựng cơ sở hạ tầng và sự thịnh vượng đáng kể dọc theo tuyến đường vành đai này. Ở cấp độ quốc tế, BRI là mô hình tăng trưởng và phát triển hòa bình của Trung Quốc.

Ngoại giao nhân dân của Trung Quốc ở Kazakhstan

Khi tiết lộ kế hoạch xây dựng "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" ở Astana, nay gọi là Nur-Sultan, và nhấn mạnh các mối liên hệ lịch sử sâu sắc giữa người Kazakhstan và người Trung Quốc, Bắc Kinh cũng "phát minh" ra các mối quan hệ và liên kết chưa từng tồn tại trước đây.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng mối quan hệ thân thiết giữa nhân dân hai nước có từ 2.100 năm trước dưới triều đại nhà Hán, khi sứ thần Trương Khiên của Trung Quốc đã hai lần được cử tới Trung Á với thông điệp hòa bình và hữu nghị.

[Trung Quốc rót vốn mở rộng 'Con đường Tơ lụa trên biển']

Các chuyến đi của ông Tập Cận Bình được tuyên bố là nhằm mở ra cánh cửa dẫn tới các mối liên kết hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước Trung Á nằm dọc theo Con đường Tơ lụa nối phương Đông và phương Tây, châu Á và châu Âu. 

Trung Quốc từ lâu đã thay thế Nga trở thành đối tác thương mại số 1 của Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác. Khi ông Tập Cận Bình công bố BRI, thương mại giữa Kazakhstan và Trung Quốc đạt 28,9 tỷ USD, trong khi đó thương mại với Nga chỉ đạt 23,5 tỷ USD.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở khu vực Trung Á. Nước này đầu tư khoảng 19 tỷ USD vào nền kinh tế Kazakhstan trong 2 thập kỷ đầu tiên sau khi Kazakhstan giành độc lập, trước khi BRI được công bố. Bắc Kinh cũng đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng của Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan, và cả Nga.

Chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc là nhằm thể hiện hình ảnh Bắc Kinh như một lựa chọn kinh tế đáng tin cậy và thiết thực để thay thế phương Tây và Nga.

Khi nhấn mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế như những điều kiện tiên quyết để thực hiện các cải cách an ninh và chính trị, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ và hợp pháp hóa cho chiến lược phát triển của mình bằng cách thu hút sự ủng hộ rộng lớn hơn của dư luận trong khu vực.

Kể từ khi triển khai BRI, Trung Quốc đã củng cố hoạt động ngoại giao nhân dân trên toàn cầu. Giới chính trị tại Trung Quốc đang thực hiện những bước đi kiên quyết để thay đổi nhận thức về Trung Quốc ở phương Tây. Những nhận thức đó là Trung Quốc có mưu đồ làm bá chủ. Ý tưởng này xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới.

Trung Quốc muốn được nhìn nhận là một đối tác kinh tế đáng tin cậy, quan tâm tới lợi ích chung khi theo đuổi những mục tiêu chung cùng với các quốc gia thành viên dọc theo tuyến đường Tơ lụa.

Chính phủ Trung Quốc đang tích cực cấp học bổng cho các sinh viên Kazakhstan. Theo Hội đồng Học bổng Trung Quốc, "số sinh viên Kazakhstan đang theo học tại Trung Quốc đã tăng hơn 5 lần trong thập kỷ vừa qua, lên 18.000 du học sinh."

Ở Kazakhstan và phần lớn Trung Á, đa số dư luận cho rằng "nếu muốn ra nước ngoài, hãy học tiếng Anh. Nếu muốn ở lại Kazakhstan và sống tốt, hãy học tiếng Trung". Nurzhan Baitemirov, nhà sáng lập Tổ chức Giáo dục Đông-Tây chuyên giảng dạy tiếng Anh cho người Kazakhstan, đã nhận ra nhu cầu học tiếng Trung Quốc ngày càng lớn của những chuyên gia trẻ.

Baitemirov, từng tốt nghiệp ở Vũ Hán, nói rằng khu vực sản xuất dầu mỏ chính của Kazakhstan ở miền Tây từng chủ yếu là các công ty của Canada, nhưng hiện nay tình hình đã thay đổi và các công ty ở đây phần lớn là của Trung Quốc. Ông nói: "Tốt hơn là nên nói được tiếng Trung Quốc nếu bạn muốn có một vị trí."

Trung Quốc cũng hào phóng tổ chức nhiều hội thảo giáo dục và hội thảo chuyên sâu, cung cấp học bổng, nhằm giúp đào tạo người mang quốc tịch Kazakhstan. Trung Quốc đang điều hành 5 Viện Khổng Tử để thúc đẩy văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa trên khắp Kazakhstan.

Phản ứng của Kazakhstan đối với BRI

Quan hệ của Kazakhstan với Trung Quốc bắt đầu trở nên sâu sắc kể từ giữa những năm 1990. BRI là cú huých mới nhất thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đối với Trung Quốc, nếu không có sự tham gia của Kazakhstan, các mục tiêu của BRI có thể vẫn thực hiện được nhưng sẽ tốn kém hơn, mạo hiểm hơn và đi đường vòng hơn nhiều.

Các hoạt động của Trung Quốc ở Kazakhstan chủ yếu được dẫn dắt bởi 3 động cơ chính xuất phát từ trong nước:  an ninh năng lượng, đa dạng hóa các tuyến đường thương mại, sự phát triển và ổn định ở trong nước.

Ngoài ra, các động thái của Bắc Kinh còn bắt nguồn từ tư duy địa kinh tế cơ bản của BRI. Ổn định và an ninh ở Kazakhstan cũng như khu vực lân cận của là điều rất quan trọng đối với đầu tư kinh tế và chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Là một đối tác từ rất sớm và luôn ổn định của BRI, Kazakhstan đã lựa chọn một cách tiếp cận riêng biệt đối với sáng kiến này. Trên thực tế, đa số các dự án trong khuôn khổ BRI được thực hiện ở Kazakhstan đều do Kazakhstan tự lên kế hoạch và cung cấp tài chính, chủ yếu thông qua quỹ đầu tư quốc gia và hợp tác với các ngân hàng phát triển đa phương.

Từ rất sớm, Kazakhstan đã điều chỉnh các chiến lược phát triển quốc gia ví dụ như "Kazakhstan 2050" để phù hợp với BRI và do đó nắm lấy quyền làm chủ các dự án BRI trên lãnh thổ của mình. Kazakhstan mong muốn đa dạng hóa các đối tác kinh tế và nước này đủ hấp dẫn cũng như giàu có để làm điều đó.

Về mặt chính thức, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc và các khoản nợ do Trung Quốc nắm giữ chưa bao giờ chiếm quá 10% tổng nợ nước ngoài của Kazakhstan.

Mặc dù vậy, nếu tính các khoản đầu tư của Trung Quốc được chuyển từ các quốc gia khác sang, con số này chắc chắn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, Kazakhstan vẫn hoàn toàn khác biệt với các quốc gia khác ở khu vực, ví dụ như Kyrgyzstan, Tajikistan hay Turkmenistan, những nước có một nửa tổng số nợ là nợ Trung Quốc.

Kazakhstan là quốc gia duy nhất trong khu vực đã thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc. Quốc gia này rất quan trọng đối với chiến lược BRI của Trung Quốc với tư cách vừa là nhà cung cấp - đặc biệt là dầu mỏ và urani - vừa là quốc gia giúp Trung Quốc kết nối với châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục