Nhắc đến Ước Lễ, nhiều người nhớ ngay tới đặc sản giò chả nức tiếng khắp nơi. Nhưng không chỉ có vậy, Ước Lễ còn là một làng quê giàu truyền thống văn hóa - một ‘bảo tàng’ làng nông nghiệp điển hình của Bắc Bộ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đối lập với sự náo nhiệt, cùng các công trình hiện đại của Thủ đô, làng cổ Ước Lễ vẫn giữ được nét cổ kính dân dã của một vùng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngay từ đầu làng, chiếc cầu gạch cong cong duyên dáng bắc qua con sông nhỏ và cổng làng bề thế với dòng chữ Hán "Ước Lễ thôn" đưa ta vào không gian của làng cổ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, bên trên vọng lâu có tấm biển đề 4 chữ ‘Mỹ tục khả phong’, nghĩa là ‘Phong tục hay nên theo’ do nhà Vua ban cho làng Ước Lễ vào năm Tự Đức thứ tư (1851). Cổng làng với vòm mái cong vút giống như các mái đình chùa cổ ở Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Làng cổ Ước Lễ gây ấn tượng đặc biệt ngay từ cổng làng - một công trình kiến trúc bề thế, có hình dáng như cổng thành với những nét đặc trưng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI). (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Mặt trong của cổng có ba chữ ‘Thiểu cao đại’ mang hàm ý rằng các thế hệ trước của làng đã làm nhiều việc nhân đức, nên thế hệ sau nhất định sẽ hưng vượng. Đó cũng là lời nhắc nhở dân làng dù đi đâu, làm gì cũng nên sống có đạo đức, biết làm việc thiện, để lại phúc đức cho con cháu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Xuôi từ cổng làng xuống là khu vực chợ cổ truyền thống dưới bóng những cây đại thụ tỏa bóng mát cả một vùng trời. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Mái ngói của khu chợ nhuốm màu thời gian, mang phong cách cổ kính và đem lại cảm giác hoài cổ, chúng mang dấu ấn văn hóa của các thời kì lịch sử đã qua. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre làng lao xao trong gió là những hình ảnh gắn liền với nét văn hóa làng quê đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đi sâu vào trong làng, qua từng con ngõ, nhiều gia đình tại Ước Lễ còn lưu giữ khá nhiều các công trình nhà, cổng cổ có niên đại trên dưới 100 năm. Mặc dù qua nhiều năm, khuôn viên nhà đã thay đổi nhưng theo lời chia sẻ của người dân, việc giữ lại cổng nhà là giữ lại một phần nét văn hóa của cha ông. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Những bức tường gạch hằn đậm dấu ấn thời gian mang lại sự thân thuộc, cổ xưa là hình ảnh không khó bắt gặp khi di chuyển quanh làng Ước Lễ. Mặc cho những bức tường bê tông với lớp sơn hiện đại, những bức tường gạch vẫn khiêm nhường với vẻ đẹp hoài cổ trên nẻo đường làng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Gia đình ông Trụ (74 tuổi) hiện nay còn giữ được ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm. Theo ông kể lại, ngôi nhà được mua khi ông nội còn trẻ từ một gia đình trong làng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Không khó để nhận ra nét đặc trưng của đa số công trình nhà cổ ở làng Ước Lễ nói chung cũng như của các nhà cổ tại đây là hệ thống các tấm dài (tấm liếp) ở mặt tiền nhà. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ông Trụ cho biết:’ Xưa các cụ quan niệm hệ thống các tấm liếp trước nhà để tránh tránh mọi người nhìn thẳng và đi thẳng vào chính giữa nhà – vị trí thường đặt ban thờ. Và một phần là ở các nhà hướng Tây, do đó bố trí hệ thống liếp để che nắng.’ (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngôi nhà hiện hữu tuy đã qua vài lần tu bổ nhưng ông Trụ chỉ lát lại nền và giữ nguyên những phần bằng gỗ từ ban đầu để gìn giữ giá trị của ngôi nhà. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Bên cạnh những công trình nhà cổ, giếng nước cũng là một trong những đặc trưng của làng. Làng Ước Lễ có 6 cái giếng phần lớn đều gắn liền với các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình chùa. Trong ảnh là giếng tại khuôn viên chùa Hậu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Người dân Ước Lễ còn có một cổng phụ được xây năm 1998, tuy không có giá trị lịch sử và kiến trúc cao như cổng chính nhưng cũng là một phần biểu tượng của làng. Người dân nơi đây luôn tự hào về những công trình cổ còn được gìn giữ tới ngày hôm nay. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
(Vietnam+)